Cam sành và hướng đi mới

Kỳ 1: Cam sành tìm lại “thời hoàng kim”

Cập nhật, 07:11, Thứ Ba, 22/05/2012 (GMT+7)

Khoảng năm 2004, dịch bệnh vàng lá Greening và thối rễ bùng phát và lây lan nhanh, “xóa sổ” cả ngàn hecta cam sành (CS). Nhiều “đại gia CS” bỗng chốc bị “gỡ tay” do dịch bệnh hoành hành. Song, những năm gần đây được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, ở nhiều nơi, nhà vườn bắt đầu trồng lại “cây nhà giàu” này; và không ít hộ phất lên trở thành những tỷ phú ở nông thôn.


Vườn cam sành trồng theo kỹ thuật mới ở Tam Bình.

Nhà khoa học lẫn nhà vườn đều chung nhận định: CS rất khó trồng, nhưng nếu áp dụng tốt các biện pháp canh tác cải tiến kết hợp IPM sẽ mang lại hiệu quả cao. Điều này được minh chứng khi ngày càng có nhiều vườn áp dụng thành công và có CS thu hoạch. Nhiều nông dân còn học “chiêu” mạnh dạn đi mướn đất trồng cam mở rộng diện tích.

Trồng CS “cải tiến”

Chúng tôi trở lại huyện Tam Bình- nơi mà nhiều năm trước được mệnh danh là vùng “rốn CS”. Tại một số vườn cam, không khí vắng vẻ của những ngày đầu dịch vàng lá Greening hoành hành, nay đã nhường chỗ cho cảnh thu hoạch cam nhộn nhịp.

Bên vườn cam ra trái sai oằn, anh Nguyễn Thế Phong (Ấp 10- xã Hòa Hiệp) phấn khởi: “Nhờ CS mà giờ tui cất được nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng, chứ trước đây tính tiêu rồi!”

Anh Phong luôn nhớ mãi thời điểm dịch bệnh vàng lá Greening tấn công vườn CS (năm 2004). Khi đó, 6 công CS của anh Phong gần như mất trắng, áp dụng nhiều phương pháp để “cứu” nhưng không ăn thua gì. Chặt rồi trồng mới lại nhiều lần nhưng chỉ “ăn trái chừng vài lần rồi hư hết, nhiều cây mới trồng chưa cho trái, bệnh cũng tấn công luôn!” Năm 2006, được ngành nông nghiệp hỗ trợ, anh Phong được tham gia trồng CS theo phương pháp cải tiến kết hợp IPM. 2 công cam chọn trồng thử nghiệm bước đầu đã khống chế tốt dịch bệnh, lợi nhuận trái chiếng trên 70 triệu đồng. Anh Phong tiếp tục mở rộng trồng thêm 4 công còn lại.

Hôm chúng tôi đến, vườn cam của anh Phong đang mở rộng khá xanh tốt, đang giai đoạn cho trái rộ. “Kỹ thuật trồng mới không quá khó, nhưng quan trọng đòi hỏi phải tuân thủ thật tốt từng khâu từ con giống sạch bệnh, lên liếp đến cách bón phân, xịt thuốc”- anh Phong nói.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Mười Anh- ngụ cùng ấp cũng là “nạn nhân” của dịch bệnh trên CS. 7 công cam chỉ ăn trái vài lần thì dịch bệnh lây lan buộc phải đốn bỏ toàn bộ. Áp dụng kỹ thuật trồng mới, anh Mười Anh trồng thử nghiệm 2 công và đạt hiệu quả cao, thu lời hàng chục triệu đồng. Anh Mười Anh chia sẻ: “CS phải trồng thưa, tỉa cành tạo tán và tăng cường lượng phân hữu cơ thay cho phân hóa học thì CS mới đạt hiệu quả cao” .

Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân cho biết: Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục phối hợp triển khai Dự án Jicas trên 17ha tại một xã của huyện Tam Bình nhằm chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nhà vườn khôi phục diện tích vườn chuyên canh CS.

Từ năm 2006 đến nay, Dự án “Tăng cường hệ thống khuyến nông áp dụng canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả trên cây CS” (gọi tắc Dự án Jicas) với sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và Tổ chức Jicas (Nhật Bản) đã triển khai trồng CS thí nghiệm tại 18 điểm ở huyện Tam Bình, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Nhiều vườn cam không còn xuất hiện bệnh vàng lá Greening và không có rầy chổng cánh. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ 100% chi phí công lên liếp, thuốc bảo vệ thực vật, giống CS sạch bệnh, được tập huấn kỹ thuật và chăm sóc.

Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Ban Điều phối dự án thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Mục tiêu dự án nhằm trang bị cho nông dân những kiến thức mới về canh tác giống cây ăn trái có múi, kỹ thuật chọn cây sạch bệnh và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp giúp cây trồng đạt năng suất, sản lượng cao”.

Đến mướn đất trồng cam

Do thu nhập “khủng” từ CS, nhiều hộ trồng hiệu quả bước đầu tiếp tục mở rộng diện tích; nhiều hộ không có đất trồng nhưng có kỹ thuật thì đi mướn đất trồng cam.

Nguyên tắc của dân thuê đất trồng CS là “đánh nhanh thắng nhanh”, không để cho CS kịp nhiễm bệnh. Vụ đầu là đã có lãi, qua vụ thứ 2 coi như lãi trọn, vụ thứ 3 chỉ “vớt vát thêm chút đỉnh là… cuốn gói”. Khi thu lời đậm, họ sẵn sàng bỏ lại 2 vụ cam còn lại cho chủ đất được hưởng và bắt đầu chuyển qua nơi khác…


Vườn cam sành trái sai oằn ở Trà Ôn.

Anh Trương Bảo Quốc (ấp Tân Quới Hưng, xã Trường An- TP Vĩnh Long) là điển hình. Năm 2001, anh Quốc mua chiếc vỏ lãi rong ruổi khắp các tỉnh, thành ĐBSCL mua xoài lá xử lý ra trái bán kiếm lời. Tuy nhiên, giá xoài nhiều vụ biến động, không ít vụ thua lỗ. Năm 2007, anh quyết định “lên bờ”, mướn 4 công đất vườn với thời hạn 8 năm, thuê nhân công “trang điểm” và mua 1.000 cây cam giống về trồng. Nhờ chăm sóc tốt, hợp thổ nhưỡng nên CS phát triển xanh tốt. Sau 2 năm trồng, 4 công trồng cam cho thu hoạch trái chiếng với năng suất 12 tấn, giá bán 20.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lời khoảng 200 triệu đồng. Anh Quốc trả được hết tiền thuê đất và trả hết nợ ngân hàng, tích cóp phần còn lại đầu tư vào xây dựng căn nhà hàng trăm triệu đồng. “Ban đầu hàng xóm cho tui làm chuyện tào lao, bây giờ nhiều người còn bắt chước đi mướn đất để trồng”- anh Quốc cho biết.

Hôm chúng tôi đến, anh Quốc đang tìm thuê thêm khoảng 7 công đất khác để tiếp tục trồng cam, bởi “trồng cam không nhiều vốn nhưng hiệu quả cao, trong khi kỹ thuật tui có sẵn!”

Tiếp theo câu chuyện thuê đất trồng CS, qua tiếp xúc, anh Tư Hoàng (xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) kể có người em rể tên Út Dùm (32 tuổi) có hoàn cảnh rất khó khăn, vợ chồng làm mướn quanh năm. Mấy năm trước, Út Dùm gặp lại người bạn học cũ (giờ là “trùm” trong giới thuê đất trồng CS) rủ rê theo phụ giúp trông coi vườn cam bên Trà Vinh. 7 công đất mà bạn anh Út Dùm hợp đồng thuê 5 năm, được đầu tư lên liếp trồng CS, chỉ sau vụ trái chiếng anh ấy đã bỏ túi tròm trèm 1 tỷ bạc. Út Dùm được “thưởng” 150 triệu đồng mang về đưa vợ để dành cất lại căn nhà, coi như đổi đời nhờ… làm thuê cho những “phi vụ” CS. Thuê đất trồng CS xem ra khá “dễ ăn”. Tuy nhiên, khi được hỏi bí quyết để trồng có lời, hầu hết đều nhận định: Quan trọng là phải biết coi và chọn đất. Nếu chọn được đất phù hợp xem như đã chắc thắng 70%!

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 7.200ha trồng CS, tập trung tại 2 huyện Tam Bình và Trà Ôn. Tại Tam Bình, qua khảo sát có trên 70% diện tích vườn CS bị nhiễm bệnh, trong đó 55% diện tích bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ và bệnh vàng lá Greening; 45% bị nhiễm bệnh do sử dụng giống cây trôi nổi và thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật canh tác.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- HOÀNG MINH