Ứng dụng mới, nâng chất nông sản

Cập nhật, 20:35, Thứ Năm, 12/05/2016 (GMT+7)

Hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, giúp người dân chủ động được thời gian bảo quản nông sản, đặc biệt là nhãn và khoai lang- 2 loại nông sản thế mạnh của Vĩnh Long... là những ưu điểm thiết thực mà công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời mang lại.

Công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời đã đem lại nhiều hiệu quả.
Công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời đã đem lại nhiều hiệu quả.

Tiềm năng ứng dụng dồi dào

Vĩnh Long là tỉnh có ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên thời gian qua, công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm nông sản còn quá thô sơ, chưa được đầu tư nhiều dẫn đến hạn chế mặt hàng nông sản thành phẩm, chất lượng, lẫn thương hiệu nông sản chưa được nâng cao.

Cụ thể, trước đây, tại nhiều địa phương phần lớn việc thu hoạch, phơi sấy, bảo quản nông sản theo các phương pháp truyền thống. Cưỡng bức luồng khí nóng với nguồn nhiệt được cấp từ việc đốt Biomass (trấu), như: hong phơi nắng ngoài sân, lòng lề đường.

Phương pháp này tuy đơn giản, ít tốn kém nhưng bị động vào thời tiết, ảnh hưởng mưa gió làm thời gian phơi sấy dài nên nông sản biến màu, giảm mùi hương tự nhiên và làm thay đổi các tính chất hóa lý tự nhiên, giảm hàm lượng chất dinh dưỡng trong sản phẩm.

Hiện nay, tuy đã có nhiều phương pháp sấy mới, khắc phục nhược điểm của các phương pháp truyền thống như dùng lò sấy sử dụng nhiên liệu (than, củi, trấu...), điện năng, song các phương pháp này gây ảnh hưởng tới môi trường và chi phí cao.

Ông Lê Văn Việt- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long (Sở Công thương) cho biết: Qua khảo sát nhận thấy nhu cầu sấy nông sản để bảo quản tại địa phương là khá lớn.

Bởi sấy là một công đoạn quan trọng được áp dụng trong sản xuất, bảo quản nông sản. Các sản phẩm nông sản có độ ẩm mới thu hoạch từ 70- 80% là quá cao cho quá trình bảo quản lâu dài, nên việc ứng dụng công nghệ mới vào việc sấy nông sản rất cần thiết.

Trong khi đó, Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 25- 270C, nhiệt độ cao nhất 36,90C, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm bình quân 7,30C. Bên cạnh đó, bức xạ tương đối cao, bình quân số giờ nắng trong ngày là 7,5 giờ.

Thời gian chiếu sáng bình quân đạt từ 2.550- 2.700 giờ/năm. Với điều kiện dồi dào về nhiệt và nắng, nhận thấy Vĩnh Long có nhiều tiềm năng trong việc ứng dụng năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng thay thế trong công tác sấy sản phẩm nông sản.

Góp phần tăng giá trị nông sản

Ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá: Ứng dụng thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời trong sấy nông sản ở Vĩnh Long sẽ đảm bảo chất lượng nông sản nông nghiệp sau thu hoạch, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường cũng như góp phần hiện đại hóa công nghệ sấy nông sản tại Vĩnh Long.

Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu cơ bản về tiết kiệm năng lượng (tận dụng năng lượng mặt trời), đơn giản, dễ vận hành tại các địa bàn nông thôn.

Ông Lê Văn Việt cho biết thêm, cần phải sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo để thay thế dần năng lượng không tái tạo như hiện nay để phục vụ nhu cầu sấy nông sản nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kéo dài thời gian bảo quản.

Theo đó, qua kết quả đánh giá giai đoạn 1, cơm nhãn và khoai lang đã được chọn là 2 nông sản dùng để ứng dụng sấy bằng năng lượng mặt trời và áp dụng công nghệ sấy kết hợp.

Trong đó, “khoai lang là mặt hàng có nhu cầu sấy cao, đây là giải pháp nhằm giải quyết bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm khoai lang tại địa phương”- ông Nguyễn Văn Phú- Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh cho biết.

Đánh giá hiệu quả mang lại từ công nghệ này, ông Nguyễn Mạnh Tuân- Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh cho biết: Vĩnh Long có diện tích trồng nhãn lớn thứ 2 ở ĐBSCL, sau thu hoạch nhãn được đem sấy để đưa vào thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, khoai lang có diện tích trồng lớn nhất ở đồng bằng, tuy nhiên thời gian qua còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chế biến đa dạng sản phẩm từ khoai lang sẽ dễ tiếp cận thị trường cao hơn.

Chú Tô Văn Bảy (ấp An Thạnh, xã An Bình- Long Hồ)- chủ cơ sở sản xuất nhãn Bảy Tô, thực nghiệm đề tài cho biết: Bước đầu áp dụng công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời đã mang lại nhiều hiệu quả.

Chất lượng sản phẩm đẹp hơn, mùi thơm hơn, độ thoát nhiệt vừa phải. So với cách sấy truyền thống bằng lò trước đây tiết kiệm chi phí đáng kể, lúc trước khoảng 10.000 đ/kg thành phẩm thì hiện nay còn 6.000 đ/kg thành phẩm, tiết kiệm được 40%.

Tuy nhiên, công suất máy chưa đáp ứng được nhu cầu nên trong giai đoạn 2, sẽ tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất, đồng thời sẽ nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất sản phẩm.

 Phương pháp chế biến, sấy truyền thống chưa đảm bảo vệ sinh, tỷ lệ hao hụt cao.
Phương pháp chế biến, sấy truyền thống chưa đảm bảo vệ sinh, tỷ lệ hao hụt cao.

Sử dụng máy sấy bằng năng lượng mặt trời nên triển khai áp dụng cho các hộ gia đình cho mục đích sấy các loại sản phẩm đòi hỏi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo khảo sát việc sử dụng công nghệ này còn rất ít và hạn chế do các hộ khó khăn tài chính. Do đó, thời gian tới cần có chiến lược tuyên truyền để các hộ gia đình hiểu hơn về công dụng và lợi ích kinh tế mang lại, có chính sách hỗ trợ giá để các hộ tiếp cận với sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

 

Sau khi sấy bằng năng lượng mặt trời, độ ẩm ban đầu của cơm nhãn là 70%, độ ẩm lần cuối sau khi sấy còn 10%, với nhiệt độ sấy 40- 420C, thời gian sấy 24 giờ/mẻ, tỷ lệ thành phẩm là 20kg khô sản phẩm hoàn thiện/50kg cơm nhãn (sau khi bóc vỏ khô). Khoai lang có độ ẩm ban đầu 70%, độ ẩm lần cuối sau khi sấy là 4%, nhiệt độ sấy 40-450C, thời gian sấy 6 giờ/mẻ, tỷ lệ thành phẩm là 18kg khô sản phẩm hoàn thiện/50kg khoai lang hấp chín.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN