ĐBSCL cần phát triển kinh tế tuần hoàn

Cập nhật, 10:06, Thứ Tư, 05/06/2024 (GMT+7)

 

Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn.
Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển KTTH (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển KTTH gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Ông Huỳnh Văn Thòn- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng chuyển đổi sản xuất bền vững.

Đến nay, Lộc Trời đã tổ chức liên kết sản xuất với gần 300.000 nông hộ trên diện tích gần 300.000ha. Mô hình canh tác “Mặt ruộng không dấu chân” được cơ giới hóa đồng bộ kết hợp drone phun thuốc của Lộc Trời giúp lượng lúa giống sạ giảm từ 300 kg/ha xuống chỉ còn 80-100 kg/ha, tiết kiệm được 20% lượng nước sử dụng và giảm 20-30% lượng phân bón.

Những nỗ lực trên hướng đến mục tiêu giảm thiểu 1 triệu lít hóa chất xuống đồng ruộng, từ đó bảo vệ nguồn nước ngọt vốn đang ngày càng hạn hẹp.

Lộc Trời cũng hướng dẫn nông dân về giống lúa và quy trình canh tác phù hợp theo điều kiện thủy lợi giúp hạn chế thiệt hại do hạn mặn. Lộc Trời đặt mục tiêu tổ chức liên kết sản xuất 250.000ha lúa chất lượng cao trong giai đoạn 2024-2025 và đạt 1 triệu hecta sản xuất lúa chất lượng cao vào năm 2030.

Theo TS Trần Minh Hải- Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, mục tiêu đến năm 2025 diện tích chuyên canh cây lúa đạt 300.000ha, đến năm 2030 đạt 1 triệu hecta và sản lượng lúa tại các vùng chuyên canh lần lượt đạt 3,8 triệu tấn lúa và 13 triệu tấn…

Quan điểm của đề án này là tiếp cận theo hướng chiến lược xanh, KTTH. Nơi nào phù hợp, đủ điều kiện hạ tầng, khả năng của địa phương thì nên làm trước.

Nếu sản xuất theo phương thức truyền thống, thì một lượng nước khổng lồ đưa lên đồng ruộng, còn áp dụng theo phương thức mới ngập khô xen kẽ, có thể tiết kiệm được rất nhiều nước… Bên cạnh đó, cần ưu tiên các hợp tác xã phát triển đúng bản chất; triển khai quản lý mã vùng trồng; tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản…

Giới thiệu những công nghệ thành công ở Úc, GS.TS Ngô Đức Tuấn- ĐH Melbourne (Úc) nói: “Chúng ta nghĩ phế thải là khó để giải quyết, phải vứt đi nhưng nếu chúng ta có những công nghệ tốt thì có thể sử dụng và còn giúp tăng giá trị như: phế thải kính, phế thải xây dựng, lốp xe…”.

Theo thống kê, ở Úc có 30 triệu tấn phế thải xây dựng hàng năm; còn ở Việt Nam ước lượng khoảng 80 triệu tấn/năm, rất nhiều phế thải này có thể tái sử dụng, trở thành nguồn cung cấp thay thế cát. Theo ông, một số công trình thành công ở Úc có thể nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam, trong đó có ĐBSCL.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của KTTH, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để phát triển KTTH, như tận dụng phụ phế phẩm từ tôm, cá tra, lúa, cây ăn quả; tận dụng các nguồn đầu vào, chất thải.

Ông nêu một số ví dụ cụ thể, trong đó, từ năm 2008, một công ty đã xây dựng thành công chương trình “Trang trại xanh”, có quy trình nuôi trồng- sản xuất cá tra khép kín, doanh nghiệp có thể kiểm soát từ giống- nuôi trồng- thu hoạch- chế biến- sản xuất- tiếp thị- bán hàng. Công ty không bỏ bất cứ bộ phận nào của con cá tra, ví dụ như da, mỡ, nội tạng được xem là phế phẩm như trước đây. Ngoài sản phẩm fillet cá, họ lấy mỡ sản xuất dầu cá, da làm da cá chiên giòn- collagen- gelatin, bong bóng và bao tử cá đông lạnh.

Với cây lúa, cây dừa, ĐBSCL cũng có tiềm năng lớn phát triển KTTH. Trong nông- lâm sản, thực phẩm, ĐBSCL có thể cung cấp nguồn nông sản sạch các khu vực đô thị như TP Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon rừng, nông nghiệp cũng là tiềm năng lớn của vùng.

Tận dụng rơm, rác hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp để trồng rau, làm phân bón.
Tận dụng rơm, rác hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp để trồng rau, làm phân bón.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân khuyến nghị cần lồng ghép KTTH vào kế hoạch, quy hoạch vùng, địa phương… Cùng với đó, tiếp tục phát triển các công nghệ chế biến, tạo các sản phẩm cấp cao hơn, như thực phẩm, mỹ phẩm. Đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, các mô hình khởi nghiệp các sản phẩm mới gắn với mô hình KTTH. Nâng cao năng lực, phát huy vai trò các HTX kết nối nông dân để thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn; xây dựng chương trình hợp tác phát triển KTTH với các địa phương lân cận và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Các tin khác: