Chăm sóc cây ăn trái sau hạn mặn

Cập nhật, 14:07, Thứ Ba, 04/06/2024 (GMT+7)

 

Nông dân cần chủ động nhiều giải pháp phục hồi cây trồng sau hạn mặn.
Nông dân cần chủ động nhiều giải pháp phục hồi cây trồng sau hạn mặn.

Thời gian qua, do hạn mặn kéo dài, cộng thêm nắng gắt, bên cạnh nhiều diện tích vườn cây ăn trái đã được bảo vệ kịp thời thì cũng có một số vườn cây bị ảnh hưởng. Sau thời điểm hạn mặn, nông dân tiếp tục chăm sóc để vườn cây ăn trái khôi phục, sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo ngành nông nghiệp, thời gian qua, do tình hình thời tiết mùa khô, nắng nóng gay gắt diễn biến phức tạp, độ mặn duy trì thường xuyên trong ao, mương… nên cũng đã phần nào tác động đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Cụ thể, khi nước mặn xâm nhập vào các mương trong vườn sẽ tích tụ muối hòa tan trong đất. Cường độ của quá trình bốc thoát, tích tụ của muối trong đất, nước gia tăng với độ tiếp xúc của nguồn nước mặn. Quá trình tích tụ muối càng tăng ở những nơi khô hạn. Do lượng nước không đủ để rửa trôi các dạng muối dễ hòa tan dẫn đến đất bị mặn.

Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng. Tùy theo độ mặn, ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng và giai đoạn phát triển của cây mà nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển và năng suất của cây trồng.

Ảnh hưởng của mặn, nắng nóng đối với cây trồng biểu hiện qua các triệu chứng cháy lá, làm giảm sinh trưởng phát triển, ảnh hưởng đến năng suất. Khi đã nhiễm mặn trong đất thì vườn cây ăn trái sẽ bị ảnh hưởng lâu dài. Trường hợp cây bị ngộ độc Natri, Clo nặng sẽ gây chết cây.

Có 2 công chôm chôm bị cháy lá do ảnh hưởng của nắng nóng, hạn mặn, chú Đoàn Văn Hiểu (xã An Bình, huyện Long Hồ) cho hay: “Tôi cũng thường xuyên theo dõi thông tin độ mặn, không tưới nước khi độ mặn trên 0,5‰, tuy nhiên do nắng nóng gay gắt, độ mặn tuy không cao nhưng kéo dài nhiều ngày, khiến lượng nước trữ trong mương vườn không đủ tưới. Sau mấy đợt mưa đầu mùa tôi cũng có rải phân nhưng cây vẫn không phục hồi. Hiện, một số cây chôm chôm của tôi đã bị cháy lá, năng suất giảm đến 80%”.

Tại huyện Vũng Liêm, có 4 công trồng sầu riêng, chú Nguyễn Văn Ba (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) cũng cho biết: “Vào thời điểm hạn mặn, rút kinh nghiệm từ những năm trước, tôi cũng dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây trong những tháng nước mặn, không tưới khi nồng độ mặn hơn 0,5‰. Đồng thời, thời điểm nắng nóng, để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây, tôi cũng tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa. Tuy nhiên, do mặn kéo dài, chỉ giảm vài ngày lại tăng nên vườn cây cũng có dấu hiệu bị ảnh hưởng”.

Theo ngành chức năng, thời điểm trong và sau hạn mặn, cây rất dễ mẫn cảm, suy yếu. Do đó, khi nông dân thấy có nước ngọt và mưa khi chuyển mùa, liền vội sử dụng phân bón hóa học để bón cho vườn cây ăn trái, điều này sẽ càng làm ảnh hưởng xấu đến cây vì bộ rễ đã suy yếu và hư hỏng, cần phải phục hồi. Do vậy, nông dân cần chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phục hồi sinh trưởng, phát triển vườn cây sau hạn mặn. Theo đó, việc trước mắt cần làm là tạo điều kiện cho cây hồi phục lại bộ rễ đồng thời kết hợp tưới rửa mặn cho vườn cây.

Cần có giải pháp lâu dài để phòng chống hạn mặn, cần chủ động ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời kết hợp áp dụng biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, bảo vệ cây.
Cần có giải pháp lâu dài để phòng chống hạn mặn, cần chủ động ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời kết hợp áp dụng biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, bảo vệ cây.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Khi cây bị nhiễm mặn cần tăng cường tháo rửa mặn. Hiện nay nông dân có thể sử dụng một số hoạt chất để bổ sung dinh dưỡng vào đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây, hỗ trợ phục hồi cây trồng sau hạn mặn.

Sau khi tháo rửa mặn tương đối thì nông dân có thể sử dụng phân bón để giúp cây phục hồi nhanh. Lưu ý tránh sử dụng quá nhiều phân đạm trong giai đoạn này, chủ yếu là sử dụng phân kali để bộ rễ phục hồi, chống chịu tốt. Theo đó, trong tình hình nắng nóng, hạn mặn nông dân cần theo dõi thông tin để chủ động ứng phó.

Tránh trường hợp khi nồng độ mặn cao cộng thêm nắng nóng kéo dài mà tưới liên tục thường xuyên sẽ bị tích tụ lượng Natri nhiều trong đất, khiến cây trồng bị ảnh hưởng. Sau quá trình này cần có giải pháp lâu dài để phòng chống hạn mặn, cần chủ động ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời kết hợp áp dụng biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, bảo vệ cây.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 
Các tin khác: