Doanh nghiệp khai thác thế mạnh, tạo nguồn lực tăng trưởng

Kỳ 3: Tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số

Cập nhật, 13:22, Thứ Tư, 15/11/2023 (GMT+7)
Thời gian qua, hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại của tỉnh được đẩy mạnh.
Thời gian qua, hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại của tỉnh được đẩy mạnh.
Chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp (DN) tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường. Ý thức được xu hướng tất yếu này, nhiều DN đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ mới để cải tiến, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh.
 
Chuyển đổi số- vấn đề sống còn
 
Bà Phạm Chi Lan- chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rõ ràng là xu hướng của thế giới mà chúng ta sẽ bị cuốn vào.
 
Theo đó, CĐS là một trong những nội dung quan trọng, mang yếu tố then chốt cho các DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do đó, DN nào ứng dụng thành công nền tảng số hóa thì việc triển khai và vận hành đạt hiệu quả cao hơn các DN khác là điều hiển nhiên. Đồng thời, cho thấy việc ứng dụng CĐS không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN mà còn ảnh hưởng đến khả năng tồn tại.
 
Chưa kể việc CĐS còn giúp DN chiếm ưu thế hơn trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, thúc đẩy tiến trình mua bán và doanh thu vượt trội hơn so với các phương thức tiếp thị truyền thống.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, một DN có thể thực hiện CĐS vì nhiều lý do, nhưng cho đến nay, lý do chính là: vấn đề sống còn. Một cuộc khảo sát cho thấy, DN nhỏ và vừa thường có xu hướng áp dụng công nghệ vào một số nghiệp vụ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu như: hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng.
 
Ngoài hình thức bán hàng trực tiếp, bán hàng trực tuyến đã trở nên ngày càng phổ biến do sự phát triển nhanh chóng của nhiều nền tảng thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki…) và các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…).
 
Theo Sở KH-ĐT, cùng với xu thế chuyển đổi xanh, CĐS là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. CĐS góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, DN; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.
 
Theo đó, thực hiện CĐS cho DN chính là cách hỗ trợ DN kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển của DN phù hợp với xu thế vận động mới, bối cảnh và tình hình mới. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
 
Nhiều DN cho rằng, thực hiện CĐS là quá trình chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, nhận thức, nhân lực, kết cấu hạ tầng, chiến lược tới các giải pháp công nghệ… Tuy nhiên, đây là con đường mà DN bắt buộc phải đi và phải đi nhanh, đi vững.
 
Bà Cao Thúy An- Giám đốc Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An, cho biết: Thời gian qua, DN đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics, marketing. Nhất là DN đã sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa để tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất. 
 
Còn bà Trần Ngọc Thủy- Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên liệu xanh Thủy Tùng, cũng cho hay: Thời gian qua, DN đã ứng dụng nền tảng công nghệ số vào quản lý, điều hành giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nguồn nhân lực, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
 
Theo bà Thủy, dù có tiềm năng, nhưng nếu chỉ tìm cách quảng bá, phân phối sản phẩm truyền thống chắc chắn không hiệu quả, do đó, DN đã và đang đẩy mạnh phân phối sản phẩm online và tìm đến các kênh hỗ trợ CĐS DN.
 
Bà Đoàn Hồng Hạnh- Giám đốc Sở Thông tin-TT: CĐS là chặng đường dài đòi hỏi phải xác định từng bước một, quyết tâm và kiên trì. Do đó, các DN nên chủ động, nâng cao nhận thức trong triển khai thực hiện CĐS, chấp nhận sự thay đổi, lựa chọn công nghệ, nền tảng số phù hợp với yêu cầu phát triển của DN trong thời gian tới, cũng như chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần tăng cường sự liên kết, đặt hàng đối với các bên cung ứng giải pháp CĐS, để ứng dụng các giải pháp công nghệ số phục vụ DN.

Mạnh dạn làm “cuộc cách mạng số” 

 
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung thực hiện CĐS và tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ DN ứng dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh.
 
Cụ thể, hỗ trợ phát triển các website thương mại điện tử cho DN; xây dựng trang sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương hỗ trợ cung cấp thông tin DN, giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch qua mạng internet thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, thực hiện giới thiệu lên sàn thông tin của DN, sản phẩm của tỉnh, hỗ trợ cung cấp thông tin, các chương trình xúc tiến thương mại cho DN, cập nhật dữ liệu,... giúp cho các đối tác trong và ngoài nước tìm kiếm thông tin về DN và sản phẩm được dễ dàng.
 
Qua đó, tạo một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, giúp DN phát huy tối đa năng lực sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các thông tin thương mại, bản tin xuất nhập khẩu,…
 
Song song đó, Vĩnh Long cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn chương trình huấn luyện kiến thức nền tảng cho các DN về đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thêm các kênh bán hàng và tiếp cận thêm đối tượng khách hàng mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại…
 
Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng, cùng với sự phát triển của CĐS thì xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển nhanh trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Hiện đã có nhiều DN nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, CĐS hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho DN như tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí vận hành, mở rộng thị trường… Bên cạnh việc áp dụng công nghệ số vào quy trình quản trị nội bộ, DN còn ứng dụng công nghệ số vào một số nghiệp vụ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu như ứng dụng nền tảng số trong mở rộng kênh phân phối trực tuyến, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng.
Vĩnh Long cũng đã đưa ra lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số.
Vĩnh Long cũng đã đưa ra lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số.
Thực tế đã chứng minh, CĐS trở thành một yêu cầu bắt buộc các DN phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu. Điều này có thể thấy ngày càng có nhiều DN thực hiện CĐS và đã tìm được chỗ đứng vững trên thị trường. 
 
Tuy nhiên, khi tham gia vào quá trình CĐS, DN cũng đối diện với không ít thách thức. Theo ThS Hồ Thiện Quyền- Phó Giám đốc Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long, trong thực hiện CĐS, thương mại điện tử là một lĩnh vực đầy hứa hẹn và có tốc độ phát triển cao trong thời đại số.
 
Để thành công trong lĩnh vực này, các DN phải đối mặt với nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt. Vậy nên, các DN cần nắm bắt cơ hội và xu hướng mới của thương mại điện tử như sự gia tăng của thị trường trực tuyến, sự đa dạng hóa của các kênh bán hàng, sự phổ biến của các thiết bị thông minh và trí tuệ nhân tạo. 
Theo mục tiêu kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SMEs) CĐS của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2025: có 20% DN SMEs được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS. Tối thiểu 15% DN SMEs được trải nghiệm các nền tảng số, 15% DN SMEs ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 15% DN SMEs có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Phấn đấu đến năm 2030: có 40% DN SMEs được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS, tối thiểu 30% DN SMEs được trải nghiệm các nền tảng số; 30% DN SMEs ứng dụng các hình thức thương mại điện tử, 30% DN SMEs có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Bài, ảnh: T.PHƯỚC- T.LY- T.TIÊN 
>> Kỳ cuối: Kỳ vọng những nhân tố tăng trưởng mới