Hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế tăng

Cập nhật, 06:23, Thứ Ba, 13/12/2022 (GMT+7)
Vốn tín dụng tập trung tăng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, vốn lưu động sản xuất kinh doanh...
Vốn tín dụng tập trung tăng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, vốn lưu động sản xuất kinh doanh...

(VLO) Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long, tốc độ dư nợ cho vay năm 2022 tăng cao hơn năm 2021, tín dụng tập trung tăng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, vốn lưu động sản xuất kinh doanh... Qua đó, cho thấy mức độ hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế tăng.

NHNN tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 - 2%

Trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện hơn. Ngày 5/12, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD.

Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Thống đốc cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng.

Trong khi đó, ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Thủ tướng nêu rõ trong 11 tháng qua, trong điều kiện rất nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đạt được một số kết quả nhất định rất đáng mừng.

Các biện pháp điều hành đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi và bội thu; xuất đủ nhập và xuất siêu; làm đủ ăn và có xuất khẩu nông sản; đủ năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng; thị trường lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu).

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu đạt các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022 ở mức cao nhất.

Các chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững.
Các chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững.

Chỉ còn gần 1 tháng là kết thúc năm 2022, chúng ta cần “chạy nước rút về đích” bảo đảm an toàn, hiệu quả, đạt được các mục tiêu nhưng mang tính bền vững; đồng thời chuẩn bị cho năm 2023 đã được xác định là có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, chỉ đạo, điều hành cần bản lĩnh hơn, hiệu quả hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý các vấn đề đặt ra.

Đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế

Tại Vĩnh Long, trong năm 2022, NHNN chi nhánh tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách của Chính phủ, NHNN, UBND tỉnh đến hoạt động ngân hàng cho các TCTD và đối tượng có liên quan.

Các chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP.

Bên cạnh, thực hiện quy định lãi suất theo điều hành của NHNN và thị trường, lãi suất huy động và cho vay của các chi nhánh TCTD tăng và thực hiện thống nhất theo điều chỉnh của hội sở nhưng vẫn chấp hành đúng quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ và huy động bằng VNĐ đối với loại tiền gửi dưới 6 tháng và tiền gửi bằng USD của NHNN.

Các chi nhánh TCTD có điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,5 - 2% tùy theo các kỳ hạn huy động, qua đó cũng làm cho mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo tương ứng.

Ước đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay đạt 42.137 tỷ đồng, tăng 4.866 tỷ đồng (+15%) so với đầu năm 2022.

Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 24.737 tỷ đồng, tăng 14,79% so với đầu năm, chiếm 58,7 %/tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn ước đạt 17.400 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm, chiếm 41,3 %/tổng dư nợ.

Theo đánh giá của NHNN chi nhánh Vĩnh Long, dư nợ cho vay tăng khá so với đầu năm, tốc độ tăng cao hơn năm 2021, tín dụng tập trung tăng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, vốn lưu động sản xuất kinh doanh... Qua đó, cho thấy mức độ hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế tăng.

Chẳng hạn, ước đến 31/12, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 20.880 tỷ đồng, tăng 12,04% so với đầu năm 2022; lĩnh vực xuất khẩu dư nợ đạt 1.980 tỷ đồng, tăng 16,47%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 10%...

Cũng theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, trong năm 2022, các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Cùng với đó, hoạt động thanh toán tiếp tục phát triển với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh, các giao dịch thanh toán qua Internet banking, Mobile banking tăng cao. Nhiều TCTD áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC