Truy xuất nguồn gốc: Tăng giá trị nông sản địa phương

Cập nhật, 19:35, Thứ Hai, 22/08/2022 (GMT+7)
Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Sản phẩm có truy xuất nguồn gốc tạo niềm tin với người tiêu dùng.

(VLO) Trong nền kinh tế 4.0, người tiêu dùng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc (TXNG) là giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người tiêu dùng.

Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch.

Minh bạch thông tin, chất lượng hàng hóa

Tại hội thảo “Đánh giá thực trạng và nhu cầu TXNG, sản phẩm hàng hóa tỉnh Vĩnh Long”, ông Lê Xuân Trường- chuyên gia tư vấn, xây dựng tiêu chuẩn chia sẻ, trước vấn nạn như hàng giả, hàng nhái, hàng lưu thông không có nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, TXNG được xem như giải pháp để giải quyết vấn nạn trên.

TXNG đang trở thành vấn đề nóng được quan tâm trên toàn cầu. Đặc biệt, đối với xuất khẩu, việc ứng dụng công nghệ TXNG hàng hóa sản phẩm, giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về TXNG hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Từ năm 2015 tới nay, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã ứng dụng CheckVN là công cụ triển khai thực hiện Chương trình Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam theo chỉ đạo của BCĐ Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

CheckVN dùng để thiết lập, lưu giữ, số hóa, theo dõi, kiểm soát, bảo mật, xác thực thông tin về sản phẩm hàng hóa trên mạng Internet; kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý với người tiêu dùng thông qua mã phản hồi nhanh QRcode và phần mềm ứng dụng trên smartphone.

Với hệ thống các modul được thiết lập theo các tầng quản trị, quản lý gắn với quá trình sản xuất và hình thành sản phẩm, CheckVN cho phép hiển thị thông tin truy xuất sản phẩm cả về chiều sâu và chiều rộng, đặc biệt còn cho phép xác thực lại thông tin truy xuất có chính xác hay không.

Theo ông Lê Xuân Trường, TXNG không chỉ bó hẹp ở truy xuất thông tin về thành phẩm cuối cùng, mà là thông tin trong toàn bộ quá trình sản xuất từ khi là nguyên liệu thô đến khi tới tay người tiêu dùng. Như vậy, nó là một hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin liên tục của cả chuỗi sản xuất, và phải có khả năng truy xuất một cách chính xác theo các mục đích khác nhau.

TXNG có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công hoặc sử dụng công nghệ thông tin, mã số mã vạch... để số hóa, trao đổi, truy xuất động. Và xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống TXNG điện tử và áp dụng công nghệ QR-Code trên nhãn TXNG đang phổ biến.

Xu hướng tất yếu- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Vĩnh Long

Tại Vĩnh Long, theo nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hiện nay, vấn đề TXNG đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường, nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.

Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Chủ cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh (xã Tân Phú- Tam Bình), cho rằng: TXNG sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp tạo được niềm tin đến khách hàng nhiều hơn, giúp khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Đồng thời, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm và thương hiệu, góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Thực hiện TXNG chôm chôm, ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) cho biết: Các thị trường phát triển rất chú trọng việc TXNG, đặc biệt trong ngành thực phẩm.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định 856/QĐ-UBND ngày 4/5/2022 phê duyệt đề cương, tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện dự án: “Xây dựng hệ thống quản lý TXNG sản phẩm hàng hóa tỉnh Vĩnh Long”. Mục tiêu dự án là xây dựng hệ thống quản lý, TXNG sản phẩm hàng hóa cho tỉnh. Đồng thời thí điểm TXNG một số sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh như: 3 nhóm sản phẩm trồng trọt (bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành), 2 nhóm sản phẩm chăn nuôi (heo, bò) và nhóm sản phẩm thủy sản (cá tra, cá rô phi).

Do đó, khi thực hiện truy xuất, bên cạnh đáp ứng nhu cầu từ trong nước, còn có thể chinh phục thị trường các nước khó tính. Do đó, để đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu, sản phẩm của hợp tác xã cũng được đóng gói và dán tem QR Code để người tiêu dùng dễ dàng TXNG, chất lượng thông qua điện thoại, máy tính bảng có kết nối Internet.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, có thể nói rằng TXNG là việc cung cấp thông tin về sản phẩm hàng hóa qua từng công đoạn của quá trình sản xuất theo thời gian, địa điểm, vị trí giao nhận, nguồn gốc nguyên vật liệu,... của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng một cách công khai minh bạch về sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất, trong chuỗi cung ứng từ nguyên vật liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

TXNG nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, là một trong những giải pháp giúp cho người tiêu dùng xác định được vòng đời của một sản phẩm hàng hóa trong quá trình sản xuất, chuỗi cung ứng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bằng các nền tảng số góp phần gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm nông sản tại các địa phương nói riêng theo hướng công khai, minh bạch.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long- Nguyễn Văn Giới cho rằng: Trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm thì TXNG được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, điều này giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo. Đồng thời, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm hàng hóa của tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO