Chi tiêu trước áp lực... "cái gì cũng tăng"

Cập nhật, 21:02, Thứ Năm, 19/05/2022 (GMT+7)

 

Nhiều mặt hàng đã và đang “rục rịch” tăng giá (ảnh minh họa).
Nhiều mặt hàng đã và đang “rục rịch” tăng giá (ảnh minh họa).

Từ đầu năm đến nay, giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng có chiều hướng tăng do ảnh hưởng chung của thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao, khiến nhiều người dân đang cảm thấy rất… áp lực với tình hình giá cả có xu hướng tăng hàng ngày.

CPI tăng cao

Theo Cục Thống kê Vĩnh Long, những tháng sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm so với tháng trước, góp phần làm cho giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau cải, trái cây tươi giảm. Tuy nhiên, do giá xăng dầu, giá gas được điều chỉnh tăng cao, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng cũng có xu hướng tăng nhẹ đã góp phần làm tăng chỉ số CPI.

Theo đó, trong quý I, có 20/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ tác động làm tăng CPI chung, trong đó ảnh hưởng lớn là: gas và các loại chất đốt khác tăng 19,71%; nhóm giao thông tăng 17,55%; điện và dịch vụ điện tăng 13,2%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 2,27%; hàng hóa và dịch vụ cho cá nhân tăng 2,07%; lương thực tăng 1,37%… Bước qua tháng 4, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao góp phần làm cho nhiều mặt hàng tăng giá so với tháng trước, chỉ số CPI tháng 4 tiếp tục tăng, ở mức tăng 0,12%. Trong đó khu vực thành thị tăng 0,1%, khu vực nông thôn tăng 0,12%. Hầu hết các nhóm hàng hóa đều tăng giá.

CPI bình quân trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,37% so với cùng kỳ, cao hơn 1,71 điểm phần trăm so với số liệu tương ứng của năm 2021. Có 21/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ tác động làm tăng CPI chung, trong đó ảnh hưởng lớn là: gas và các loại chất đốt; nhóm giao thông; điện và dịch vụ điện; dịch vụ vệ sinh môi trường; ăn uống ngoài gia đình; hàng hóa và dịch vụ cho cá nhân; nhóm nhà ở; lương thực…

Một “cú sốc” khác là quyết định tăng giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 11/5 của Liên Bộ Công thương- Tài chính, đã kéo theo nhiều dịch vụ, hàng hóa cũng “rục rịch” chạy đua tăng giá.

Theo Bà Nguyễn Thu Oanh- Vụ trưởng Vụ Thống kê, mặt bằng giá trong nước những tháng đầu năm vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Công tác quản lý, điều hành giá sẽ tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Áp lực tăng giá hàng ngày

Giá xăng tăng lên gần 30.000 đ/lít tạo thêm gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng. Theo khảo sát, nhiều mặt hàng ở các chợ truyền thống, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi đang có xu hướng tăng dần, chỉ trừ một số mặt hàng “dội chợ” tùy thời điểm như trái cây, rau củ quả. Tại một cửa hàng tạp hóa ở Phường 5 (TP Vĩnh Long), giá trứng vịt đã tăng khoảng 2.000 đ/chục; dầu ăn cũng tăng và vượt mức 50.000 đ/lít; các loại hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa cũng tăng từ 1.000đ; sản phẩm mì gói cũng tăng vài trăm đồng/gói; các loại gạo cũng tăng từ vài trăm đến 1.000 đ/kg;…

Trong khi đó, theo chủ một cửa hàng chuyên cửa nhôm, kính, sắt các loại ở Phường 4 (TP Vĩnh Long), giá nhôm nhấp nhổm tăng trở lại với mức từ 110.000- 115.000 đ/kg. “Giá nhôm hiện nay tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và có khả năng tăng thêm do nguồn nhôm chủ yếu phải nhập khẩu. Đồng thời giá vận chuyển đã tăng khoảng 20- 30% đã góp phần làm cho giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng mạnh”- chủ cửa hàng này cho biết.

Người lao động mong muốn được tăng lương cơ sở nhằm bù đắp chi phí sinh hoạt tăng.
Người lao động mong muốn được tăng lương cơ sở nhằm bù đắp chi phí sinh hoạt tăng.

Trước áp lực giá cả nhiều mặt hàng đều có xu hướng tăng, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu thay đổi xu hướng tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều người lao động cũng mong muốn thời gian tới, mức thu nhập cũng sẽ được cải thiện qua việc tăng lương cơ sở từ tháng 7/2022.

Theo anh Nguyễn Quốc Anh- lái xe một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Hòa Phú, nguyện vọng của người lao động hiện nay là được nâng lương tối thiểu vùng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giá cả ngày càng cao. Qua đó, bù đắp những khoản chi tiêu phải tăng theo thời giá.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN