Tam Bình nỗ lực vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch

Cập nhật, 18:49, Thứ Bảy, 05/02/2022 (GMT+7)

 

Mô hình lúa giống của xã Bình Ninh.
Mô hình lúa giống của xã Bình Ninh.

Năm 2021 qua đi với nhiều khó khăn thách thức cho huyện Tam Bình vì số người mắc COVID-19 rất cao. Song, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng lãnh đạo và nhân dân Tam Bình đã quyết tâm thực hiện nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch. Kết quả, kinh tế- xã hội huyện phát triển ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Một năm vượt khó

Tam Bình là huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong năm 2021, Huyện ủy đã chủ động xây dựng Nghị quyết đánh giá khó khăn của năm 2021.

Bí thư Huyện ủy Tam Bình Lê Tiến Dũng cho biết: “Dự báo tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Huyện ủy thống nhất giải pháp tập trung lãnh đạo, vừa phòng chống dịch đặt lên trên đảm bảo an toàn sức khỏe tài sản của người dân. Những nơi đủ điều kiện tập trung thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Quyết liệt điều hành thực hiện nhiệm vụ của huyện hơn lúc bình thường. Quá trình đó gắn với đời sống kinh tế từng hộ gia đình, cơ sở kinh tế chung của huyện, đảm bảo mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị”.

Tam Bình những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16.
Tam Bình những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16.

Trong chỉ đạo tiếp tục phát huy vai trò nhiệm vụ của từng cấp ủy Đảng, tính gương mẫu, đoàn kết quyết tâm của Đảng bộ, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ đảng viên. Phát huy vai trò quản lý điều hành của các cấp. Tăng cường củng cố mặt trận các ngành đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở.

Quyết định tạo điều kiện xây dựng lực lượng cách mạng ở cơ sở. “Điểm mới là thống nhất chủ trương xây dựng Nghị quyết chuyên đề phòng chống dịch gắn với thực hiện phát triển kinh tế. Nghị quyết khẳng định vai trò của lãnh đạo cấp ủy mang tính quyết định. Hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở. Thống nhất chủ trương giao cho mặt trận và các đoàn thể huyện phân công lãnh đạo cơ sở củng cố địa bàn khu dân cư, ấp khóm”- ông Dũng khẳng định.

Tam Bình xây dựng thế trận lòng dân vừa chăm lo phát triển kinh tế vừa chống dịch.
Tam Bình xây dựng thế trận lòng dân vừa chăm lo phát triển kinh tế vừa chống dịch.

Huyện ủy Tam Bình xác định phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Củng cố thực lực mặt trận đoàn thể đủ sức làm nòng cốt tuyên truyền vận động đến người dân hiểu biết và đồng tình hưởng ứng. Xây dựng được tinh thần đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn. Xây dựng thế trận lòng dân vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất.

Kết quả thực hiện phát triển kinh tế- xã hội năm 2021 đạt kết quả khá toàn diện ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Ông Nguyễn Quốc Thái- Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cho biết: “Cụ thể có 16/18 chỉ tiêu đạt và vượt so kế hoạch đề ra. Hai chỉ tiêu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp và bán lẻ hàng hóa chưa đạt nhưng đã thực hiện trên 90%. Tổng thu chung vượt kế hoạch, xây dựng cơ bản triển khai công trình theo kế hoạch giải ngân đạt khá, khoảng 90%”. Bên cạnh, huyện Tam Bình cũng tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong năm 2021, 20 doanh nghiệp được thành lập mới. Quan tâm tạo điều kiện kinh tế hộ gia đình phát triển, phát huy sức mạnh sản xuất từng hộ, phát huy nội lực tại chỗ.

Phát triển kinh tế- xã hội

Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Quốc Thái cho biết: “Thực hiện nghị quyết của UBND huyện, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, huyện chỉ đạo thực hiện 2 nhiệm vụ song song vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội”.

Nông thôn mới Tam Bình được quan tâm, đầu tư diện mạo nông thôn ngày càng khang trang sạch đẹp.
Nông thôn mới Tam Bình được quan tâm, đầu tư diện mạo nông thôn ngày càng khang trang sạch đẹp.

Trong năm mới, huyện Tam Bình tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, duy trì và tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả đã thực hiện. Diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang phát triển vườn, trồng màu, tận dụng vườn trống,… Ông Nguyễn Thanh Tùng- Chủ tịch UBND xã Bình Ninh cũng cho biết: “Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hàng năm xã có xây dựng kế hoạch chủ động cho việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chú trọng các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó diện tích trồng màu, trồng cây ăn trái đều tăng”.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long, xã Bình Ninh đang sản xuất lúa giống với 7,6ha. Anh Lê Hoàng Linh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ninh cho hay: “Nếu tuân thủ các nguyên tắc và đạt chất lượng thì Trung tâm Giống sẽ bao tiêu sản phẩm, lợi nhuận từ cây lúa của bà con sẽ cao hơn”.

Hiểu được giá trị kinh tế của vườn cây ăn trái và đã có kinh nghiệm trồng sầu riêng Ri6, anh Trần Văn Đông (xã Mỹ Thạnh Trung) đã chuyển đổi 3.000m2 đất ruộng lên liếp trồng sầu riêng. Để “lấy ngắn nuôi dài” và tận dụng phân hữu cơ dưới các mô gốc sầu riêng còn nhỏ, anh Đông trồng các loại rau ngắn ngày, tăng thu nhập. Anh Đông cho biết: “Lợi nhuận từ sầu riêng có thể cao gấp chục lần trồng lúa”.

Cơ cấu lại cây trồng, đưa cây màu xuống ruộng để tăng lợi nhuận.
Cơ cấu lại cây trồng, đưa cây màu xuống ruộng để tăng lợi nhuận.

Cùng với phát triển kinh tế, Tam Bình sẽ quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội; công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19; công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Tập trung vận động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo lộ trình.

Một năm mới có thể còn nhiều khó khăn nhưng một khi “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, xây dựng được thế trận lòng dân thì có quyền tin rằng “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 

Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Quốc Thái: “Năm 2022 trên cơ sở tiền đề năm 2021, huyện Tam Bình xem phòng chống dịch là hàng đầu, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin cho người dân, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người dân. Các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng phương án sản xuất phòng chống dịch, nhất là thực hiện 5K, đó là nhiệm vụ trên hết. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp. Bên cạnh, tái cơ cấu nông nghiệp. Phát triển vườn cây ăn trái, chăn nuôi, rau màu tăng thu nhập cho người dân. Quan tâm an sinh xã hội, đặc biệt giải quyết việc làm, có định hướng giải quyết việc làm cho các đối tượng xuất khẩu lao động.

 

Bài, ảnh: CAO THỤY