Để phát triển logistics vận tải thủy nội địa

Cập nhật, 07:39, Thứ Năm, 04/11/2021 (GMT+7)
Bộ Giao thông- Vận tải (GT- VT) vừa tổ chức hội nghị về phát triển logistics vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển, nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển lĩnh vực GT- VT trọng điểm này. 
Vĩnh Long có các mạng lưới giao thông đường thủy rất thuận lợi để phát triển hệ thống logistics.
Vĩnh Long có các mạng lưới giao thông đường thủy rất thuận lợi để phát triển hệ thống logistics.
Phát triển chưa xứng tầm 
 
Bộ trưởng Bộ GT- VT Nguyễn Văn Thể khẳng định luôn quan tâm phát triển vận tải thủy và vận tải ven biển, nhằm tận dụng tối đa lợi thế của đất nước. Bộ cũng xác định vận tải thủy là một trong 5 lĩnh vực vận tải trọng điểm quốc gia, không chỉ đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các cảng thủy mà còn kết nối với các cảng biển. Tuy nhiên, đến nay, vận tải thủy phát triển chưa xứng tầm với lợi thế, tiềm năng, có sự chênh lệch lớn giữa vận tải thủy phía Nam và Bắc, cùng nhiều khó khăn, phức tạp do quy định pháp luật, chính sách… 
 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định vận tải thủy nội địa khu vực ĐBSCL hiện đang phát triển tốt nhưng tiềm năng vẫn còn rất lớn. Vấn đề lớn nhất hiện nay là quy hoạch đường thủy nội địa. Trong thời gian tới, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GT- VT yêu cầu Cục Đường thủy nội địa nghiên cứu kỹ và tổ chức công bố quy hoạch, chốt lại những vấn đề cần tập trung, định hướng trong 5, 10 hay 15 năm tới. Rà soát lại các cảng cần bổ sung thiết bị, cảng thủy nội địa, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi xây dựng cảng thủy, xây dựng các tuyến đường bộ kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp với các cảng biển… Đồng thời đa dạng hóa hệ thống cảng, tạo tiềm lực mạnh để phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển khu vực phía Nam.
 
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GT- VT) Bùi Thiên Thu cho biết, sau nhiều năm khai thác, cả nước đã hình thành 9 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và kết nối trực tiếp đến các cảng biển và tuyến vận tải ven biển. Có 298 cảng, trong đó 192 cảng hàng hóa, 9 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng cùng 6.899 bến thủy nội địa. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1.700 doanh nghiệp vận tải đường thủy hơn 43.000 lao động với số vốn gần 12.000 tỷ đồng, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cục Đường thủy nội địa thông tin, hiện 70% hàng hóa thông qua các cảng biển là hàng container. Tuy nhiên, tỷ lệ đảm nhận vận tải đường thủy nội địa tại các cảng biển vẫn còn hạn chế. Hiện nay, các tuyến vận tải thủy không đồng cấp, cự ly trung bình của các tuyến đường thủy nội địa ngắn, kết nối vận tải chưa thuận lợi… 

Logistics-hiểu một cách đơn giản, là dịch vụ vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng.

Vĩnh Long tận dụng lợi thế tiềm năng

 
Tỉnh Vĩnh Long có mạng lưới đường sông rất thuận lợi cho vận tải thủy nhưng hiện chưa xây dựng được cảng biển phục vụ nhu cầu vận tải. Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia dịch vụ logistics chỉ ở quy mô nhỏ, chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận một công đoạn trong dây chuyền logistics. Bên cạnh đó, theo Sở GT- VT, hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics thiếu vốn và công nghệ, thiếu kinh nghiệm, thiếu tính chuyên nghiệp và gắn kết đồng bộ trong hoạt động cung cấp dịch vụ logistics dẫn đến sức cạnh tranh kém… Hiện nay, các phương tiện khai thác vận tải thủy trên địa bàn tỉnh có trọng tải không lớn, mô hình tổ chức kinh doanh vận tải nhỏ lẻ và sự kết nối với các phương thức vận tải chưa thật sự phù hợp. Do đó, cần có quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics hiện đại. 
 
 Vĩnh Long đề xuất xây dựng cảng biển hiện đại phục vụ cho phát triển logistics.Ảnh minh họa
Vĩnh Long đề xuất xây dựng cảng biển hiện đại phục vụ cho phát triển logistics.Ảnh minh họa
UBND tỉnh cũng đã có quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics lồng ghép vào quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Vĩnh Long định hướng đến năm 2030. Theo đó, Vĩnh Long quy hoạch 2 cảng biển, gồm Cảng Vĩnh Long với công suất khoảng 0,8- 1,2 triệu tấn/năm và cảng Bình Minh với công suất 0,7- 0,95 triệu tấn/ năm. 
 
Sở GT- VT Vĩnh Long đề xuất Bộ GT- VT có quy hoạch tổng thể cho cả khu vực ĐBSCL tạo nền tảng cơ sở cho các địa phương có định hướng quy hoạch, đầu tư kết nối đồng bộ. Cần đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ (nạo vét, mở rộng luồng, đầu tư nâng cấp các công trình vượt sông đảm bảo lưu thông thủy phù hợp với cấp sông, xây dựng vị trí hạ tải…). Đồng thời, đề nghị các bộ ngành quan tâm tạo điều kiện cho tỉnh đầu tư, xây dựng 1 cảng biển hiện đại phục vụ nhu cầu vận tải ngày càng cao của tỉnh và khu vực.

Vĩnh Long hiện có các tuyến đường thủy nội địa quan trọng: luồng hàng hải và tuyến vận tải hàng hóa đường thủy nội địa quốc gia.


Trong đó có: luồng hàng hải sông Tiền dài 74km, là cửa ngõ ra Biển Đông của vùng ĐBSCL, kết nối trực tiếp với tuyến đường thủy kinh Chợ Gạo, tàu thuyền có thể từ các cảng biển Mỹ Tho, Đồng Tháp và sang Campuchia; luồng hàng hải sông Hậu (luồng Định An- Cần Thơ) dài 103km, là cửa ngõ ra Biển Đông của ĐBSCL, tàu thuyền có thể đi đến các cảng biển Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và sang Campuchia.

Có 4 tuyến vận tải hàng hóa đường thủy nội địa quốc gia, gồm 2 tuyến đi qua sông Măng Thít, 1 tuyến trên sông Hậu và 1 tuyến trên sông Cổ Chiên (tuyến Sài Gòn- Cà Mau (qua kinh Xà No) dài 336km, tuyến duyên hải Sài Gòn- Cà Mau dài 367km, tuyến sông Cổ Chiên dài 109km, tuyến cửa Định An- biên giới Campuchia dài 211km).

 

 
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 
Các tin khác: