Áp lực xăng dầu, gas đồng loạt tăng giá

Cập nhật, 05:34, Thứ Ba, 09/11/2021 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu và gas nhiều lần tăng giá khiến nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng thêm nặng gánh trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp…

Xăng tăng giá, người đi xe lo lắng.
Xăng tăng giá, người đi xe lo lắng.

Giá sinh hoạt tăng

Từ ngày 1/11/2021, giá gas tăng thêm 17.000đ, kéo theo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng lên mức kỷ lục 500.000 đ/bình 12kg. Đây cũng là lần thứ 9 trong năm nay gas tăng giá.

Cụ thể, gas Pacific, Vimexco Gas và City Petro đều tăng, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng khoảng 500.000 đ/bình 12kg, 536.000 đ/bình 12kg nhựa VIP và loại bình 50kg giá tối đa là 2.087.500đ.

Trước đó, từ 16 giờ ngày 26/10, Liên bộ Tài chính- Công thương chính thức tăng giá tất cả các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, xăng E5 RON92 lên mức 23.110 đ/lít sau khi tăng 1.427 đ/lít; xăng RON95-III lên 24.338 đ/lít, sau khi tăng 1.459 đ/lít.

Dầu diesel cũng tăng 8,48%, dầu hỏa tăng 7,39% tương đương mức giá bán lần lượt là 19.060 đ/lít và 17.630 đ/lít. Giá xăng dầu hiện ở mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho biết, giá gas tăng mạnh khiến cho việc chi tiêu trong gia đình cũng tăng lên, trong khi thu nhập không tăng mà còn giảm… Còn nếu cắt giảm sử dụng gas chuyển qua nấu bằng điện thì cũng không hơn gì.

Vừa đổi bình gas 12kg, chị Lê Thu Lan (Phường 4) cũng cho biết tháng vừa rồi giá gas 430.000 đ/bình nay đã lên 469.000 đ/bình. Tuy chỉ tăng 39.000đ nhưng cũng hơi ngán. Bởi gas tăng sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng khác tăng theo, chi tiêu sinh hoạt hàng tháng sẽ phải chi li hơn.

Là công nhân, chị Trương Thị Tuyết Nhung ở xã Thạnh Quới (Long Hồ) bộc bạch: Khi chưa có dịch, vợ chồng làm tăng ca thì lương được 8- 9 triệu đồng/người/tháng.

Tạm nghỉ làm trong những tháng giãn cách, công ty vẫn trả lương nhưng chỉ còn 1- 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập giảm mà chi phí của gia đình không giảm, thậm chí còn tăng nên “thấy xăng, gas tăng giá thì… rầu luôn, vì đó là những thứ thiết yếu, phải sử dụng hàng ngày”.

Nhà có 3 chiếc xe cho thuê dịch vụ nhưng mấy tháng giãn cách, xe đậu không mà vẫn phải trả tiền bãi. Anh Nguyễn Bửu Vinh- Phường 1 (TP Vĩnh Long) cho biết, xe dịch vụ tuy đã được hoạt động lại, nhưng lượng khách giảm mạnh.

Trong khi giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí mỗi chuyến tăng. “Mình lên giá dịch vụ thì rất sợ khách chê đắt. Mấy tháng xe nằm không, giờ chạy được lại phải gánh thêm chi phí xăng dầu, chưa kể sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá. Nặng gánh càng thêm gánh nặng”- anh Vinh lo lắng.

Sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng

Theo một doanh nghiệp kinh doanh gas tại Vĩnh Long, giá gas đã tăng khoảng 8.500 đ/ bình 6kg, 17.000 đ/bình 12kg, 18.000 đ/bình 12,5kg; 64.000 đ/bình 45kg, 71.000 đ/bình 50kg.

“Giá gas tăng vì hiện nay giá nguyên liệu trên thế giới tăng do nhu cầu sử dụng gas sưởi ấm mùa đông ở nhiều nước Châu Âu và nhu cầu phát điện của Trung Quốc tăng cao.

Trong khi đó, các mỏ khí trên thế giới hiện gặp áp lực bởi tình hình thiên tai, dịch bệnh khiến sản lượng khai thác chỉ đạt khoảng 70% nên nguồn cung khan hiếm. Do đó, rất khó để giá gas bán lẻ trong nước có thể giảm, mà vẫn có thể tăng”- doanh nghiệp này chia sẻ.

Giá các loại nhiên liệu liên tục tăng cao và tình hình dịch bệnh khó lường đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, gồng gánh nhiều chi phí phát sinh để duy trì hoạt động, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, logistics…

Ông Nguyễn Ngọc Lâm- Trưởng Phòng Hành chính DNTN Phú Vĩnh Long cho biết, từ khi thực hiện thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định (Vĩnh Long- TP Hồ Chí Minh) đến nay, trung bình mỗi ngày chỉ có 6- 10 khách cả đi lẫn về. Trong khi đó, xăng dầu chiếm khoảng 30% chi phí vận hành.

“Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp vận tải. Trong khi giá vé của doanh nghiệp không tăng từ trước dịch COVID-19 tới nay”- ông Lâm cho biết.

Còn anh Nguyễn Duy Anh- Phường 1 (TP Vĩnh Long) cho biết: “Chúng tôi mỗi ngày đều mua và vận chuyển tôm từ Trà Vinh về Vĩnh Long để phân phối cho các đầu mối và các bạn hàng bán lẻ. Nhưng giá nhiên liệu tăng cộng với tình hình khó khăn do dịch bệnh nên chi phí tăng, cũng đã khiến giá tôm tăng. Tương tự, các mặt hàng khác cũng đều có xu hướng tăng giá theo”.

Các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng bị ảnh hưởng do giá gas tăng mạnh. Chị B.H- chủ một quán ăn cho rằng, gas là nhiên liệu không thể thiếu đối với dịch vụ ăn uống: “Gas tăng nhưng mình không thể tăng giá món ăn được trong khi dịch bệnh kéo dài. Làm ăn trong mùa dịch đã khó, nay gas tăng thì coi như khó càng thêm khó”.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN- NAM ANH

Các tin khác: