Chủ động thích ứng "bình thường mới"

Kỳ cuối: Thích ứng an toàn, khôi phục và phát triển kinh tế

Cập nhật, 11:17, Thứ Sáu, 22/10/2021 (GMT+7)

 

Vĩnh Long định hướng nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
Vĩnh Long định hướng nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

(VLO) Ông Võ Tân Thành- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Thời điểm mở cửa lại là thời điểm doanh nghiệp (DN) phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn đặt ra như thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi,...”

Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng DN, tỉnh Vĩnh Long sẽ có những biện pháp nào để khôi phục và phát triển kinh tế?

Từ chủ trương Trung ương đến hành động của địa phương

Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ, trên tinh thần bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường, ngày 28/7/2021, Nghị quyết 30/2021/QH15 của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ra đời, là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để Chính phủ triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trên cơ sở nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng đã có hàng loạt chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN trong bối cảnh dịch COVID-19, như Nghị quyết về hỗ trợ DN; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến vận tải, lưu thông hàng hóa; hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; xuất cấp trang thiết bị và lương thực cho các địa phương phòng chống dịch,…

Qua đó, tình hình sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa tại nhiều địa phương đã từng bước ổn định và lấy lại đà tăng trưởng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: Đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn  

Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các DN hoạt động khi có đủ điều kiện, nhất là các DN trong khu công nghiệp để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị gián đoạn. Chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; rà soát loại bỏ những thủ tục không cần thiết; tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, làm việc của người lao động trên nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến”, “2 tại chỗ- 1 vùng xanh”,... Cho phép các ngành nghề kinh doanh thương mại, dịch vụ, vận tải,... hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và an toàn; đảm bảo tốt việc lưu thông phân phối về vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm nông sản, hạn chế thấp nhất ứ đọng trong dân.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xây dựng nông thôn mới, phát triển thị trấn Vũng Liêm, Tân Quới và Phú Quới; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trở lên. Kiên quyết rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả nhưng còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết nguồn vốn được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng tới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế” là mục tiêu đã được Thủ tướng đề ra trong hội nghị trực tuyến về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN vừa qua.

“Trong bối cảnh “bình thường mới”, tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp, thì những nỗ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của DN sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn”- ông Võ Tân Thành nhận định.

Tại Vĩnh Long, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch COVID-19.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 52 ngày 17/8/2021 về tăng cường các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 với các mục tiêu, giải pháp trọng tâm, cụ thể nhằm kiểm soát dịch bệnh theo từng giai đoạn.

Kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban, thành lập các tiểu ban, xây dựng quy chế làm việc để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá: “Trong 9 tháng đầu năm, công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được UBND tỉnh, các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; người dân, cộng đồng DN đoàn kết, chung tay cùng Nhà nước phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.

Đến nay, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, từng bước đưa các hoạt động về trạng thái bình thường mới; tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 đã điều trị khỏi đạt khoảng 94,3%”.

Cùng với đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; sản xuất công nghiệp và thương mại đang dần phục hồi; các kênh phân phối, lưu thông hàng hóa nông sản, tiêu dùng,... từng bước được khai thông phù hợp với yêu cầu trong phòng chống dịch bệnh.

Đến tháng 9/2021, tổng số vốn đầu tư công trên 4.320 tỷ đồng, tăng trên 20% so cùng thời điểm năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 420,9 triệu USD, đạt 69,7% kế hoạch và tăng 6,86% so cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất nông nghiệp- thủy sản khá ổn định, là nền tảng, bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện sản xuất công nghiệp và thương mại chịu tác động, giảm sâu, nhất là trong tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2021.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội, nhưng nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn.

Để hỗ trợ DN, đồng thời phục hồi phát triển kinh tế, ông Lữ Quang Ngời cho rằng: “Vĩnh Long nhận định tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bên cạnh công tác phòng chống dịch, phải tập trung khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Đồng thời, chủ động xây dựng các giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới”.

Cụ thể các giải pháp được ông Lữ Quang Ngời nêu ra, đó là: Xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế với kế hoạch- phương án phục hồi từng ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng và trên cơ sở lộ trình tiêm vắc xin cho người lao động; đánh giá, phân loại, xác định cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hướng dẫn lưu thông vận chuyển hàng hóa, hành khách thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh nhằm đảm bảo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, thi công công trình và đi lại của người lao động trong và ngoài tỉnh.

Quan tâm hỗ trợ các DN giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động. Hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ; rà soát, cân đối ngân sách, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động theo đúng quy định.

Vĩnh Long cũng chú trọng tăng cường thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng- DN để hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận vốn tái hoạt động. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,... đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Rà soát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, DN sớm triển khai thực hiện các dự án theo tiến độ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tập trung hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kinh doanh trực tuyến,…

“Trong thực hiện mục tiêu kép, cần phải quan tâm, ưu tiên công tác phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, không để dịch bệnh lây lan ngoài cộng đồng, nhất là những địa phương, DN, khu dân cư có nguy cơ cao, các vùng tiếp giáp với các tỉnh đang có dịch bệnh,...

Phải tăng cường, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phát triển kinh tế- xã hội; ưu tiên cao nhất là giữ vững và mở rộng khu vực an toàn, tiếp tục khống chế, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn địa bàn”- ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh định hướng.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY