Chủ động thích ứng "bình thường mới"

Kỳ 2: Trăm kiểu xoay xở để duy trì hoạt động

Cập nhật, 13:54, Thứ Tư, 20/10/2021 (GMT+7)

 

Nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt, chủ động xoay trở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt, chủ động xoay trở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(VLO) Để phục hồi hoạt động trong bối cảnh thuận lợi lẫn thách thức đan xen, nhiều doanh nghiệp (DN) dù lớn hay nhỏ đã chủ động có giải pháp phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của dịch COVID-19. Trong đó, chủ đạo là sẵn sàng tâm thế để “sống chung an toàn”.

Linh hoạt chuyển đổi phương án sản xuất kinh doanh

Nhiều DN chia sẻ, để có thể đứng vững trong dịch COVID-19, đòi hỏi DN phải vượt qua nhiều rào cản, từ việc giữ vững thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới, đến thay đổi tư duy điều hành, quản trị tốt nhân sự, dòng tiền đầu tư…

Giám đốc một DN tại TX Bình Minh cho hay: Do thiếu hụt dòng tiền nên DN rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới.

Ngoài ra, các DN vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, chi phí cho người lao động… nên việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng khó.

Những khó khăn đó đòi hỏi DN cần xây dựng phương án chủ động, linh hoạt hơn. Để duy trì sản xuất và có việc làm cho hơn 400 lao động, theo ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo, DN đã sớm đề ra các giải pháp thích ứng kịp thời: Sản phẩm DN xuất khẩu sang thị trường nhiều nước, nên từ năm 2020 và đầu năm 2021, từ dự đoán trước tình hình, DN đã tăng cường tuyên truyền cho người lao động đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu năm.

Đặc thù ngành sản xuất, chế biến nông sản phải luôn lường trước rủi ro, không chỉ dịch bệnh xảy ra mà có thể do thiên tai, biến động thị trường. DN phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu và chia sẻ khó khăn với người nông dân bị thiệt hại, kịp thời ứng vốn để họ tái sản xuất.

Lúc giá nguyên liệu tăng, DN tìm mọi cách tối ưu hóa chi phí sản xuất để hạ giá thành. Nhờ lãnh đạo địa phương hỗ trợ thực hiện “2 tại chỗ- vùng xanh” và DN có sự chuẩn bị trước một bước, có khu sản xuất riêng, khu ăn- nghỉ riêng, nên sản xuất vẫn ổn định.

Nằm trong vùng xanh, không bị xáo trộn về lao động nên DN sản xuất “1 cung đường- 2 điểm đến” ngay trong dịch, nhưng theo ông Nguyễn Tường Nam- Giám đốc DNTN Chế biến Thực phẩm và Thương mại Hồng Hương, nguồn nguyên liệu, bao bì… gặp khó do việc hạn chế lưu thông.

DN chấp nhận tăng chi phí, giảm lợi nhuận để ổn định giá bán. “Sản xuất hàng thiết yếu vẫn rủi ro cao. Nên DN phải có phương án dự trù, liên kết nhiều đối tác để khi chỗ này đứt gãy thì xoay xở chỗ khác; nhân viên không giao hàng được thì liên hệ các đơn vị vận chuyển.

Mặt khác, các DN trong chuỗi sản xuất cũng có sự chia sẻ với nhau, như bán hàng cho đối tác trả tiền chậm chẳng hạn”- ông Tường Nam nói.

Công ty Phước Thành IV chú trọng các giải pháp sản xuất an toàn, tăng cường tuyên truyền người lao động ý thức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Công ty Phước Thành IV chú trọng các giải pháp sản xuất an toàn, tăng cường tuyên truyền người lao động ý thức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV, cho biết: Là đơn vị sản xuất mặt hàng gạo nên dù dịch bệnh, công ty vẫn sản xuất “không nghỉ ngày nào”, nhưng chỉ khoảng 20% lao động thực hiện “3 tại chỗ”.

Cùng với nhiều chi phí phát sinh, thời gian này công ty không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà cố gắng duy trì để san sẻ cùng nông dân, khách hàng, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Để kiểm soát dịch bệnh, công ty đã thành lập các tổ sản xuất, mỗi tổ có khung giờ làm việc, vào- ra riêng để giảm thấp nhất mức độ tiếp xúc gần.

“Để nếu không may bộ phận nào đó có F0, công ty sẽ khoanh vùng, không làm ảnh hưởng các khâu khác. Công ty cũng chọn lọc kỹ khi tuyển dụng lao động, ưu tiên vùng xanh và phải xét nghiệm 3 lần âm tính mới cho vào tổ sản xuất.

Mỗi ngày, công ty có 20- 30 xe ra vào, nên chúng tôi bố trí khu vực riêng cho tài xế, buộc tuân thủ các quy định phòng dịch, giao hàng không tiếp xúc với người trong công ty”- ông Thành cho hay.

Để giữ an toàn cho sản xuất

Việc thực hiện các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường- 2 điểm đến” đã giúp DN sản xuất an toàn, cùng hoàn thành “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Mỗi DN có đặc điểm ngành nghề khác nhau, nên cơ hội và thiệt hại trong dịch bệnh cũng khác nhau. Ông Nguyễn Thanh Việt- Công ty TNHH MTV Bánh Nhật Ngọc, cho biết: DN nhỏ có cách xoay xở của DN nhỏ và tùy theo khả năng mà có cách thích ứng riêng.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ)

Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 117.800 DN gia nhập thị trường, trong đó, số DN thành lập mới là 85.500 DN, giảm 13,6%. Nhưng cũng có 90.300 DN rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10.000 DN), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất kinh doanh của DN thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng ĐBSCL, con số các DN tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng qua lên tới gần 90%. Các DN có thể duy trì hoạt động thông qua thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ hoạt động được từ 5- 10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện “3 tại chỗ”, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…).

Nhưng không vì khó khăn mà buông tay “tới đâu hay tới đó”, khi các kênh truyền thống hạn chế, DN chủ động đẩy mạnh bán hàng thông qua hệ thống thương mại điện tử, Facebook, Zalo… qua đó tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Trúc Linh- chủ Cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh, cho biết DN đã linh hoạt áp dụng các giải pháp sản xuất an toàn, áp dụng “3 tại chỗ”. Nhờ vậy, sản xuất được duy trì, chuỗi cung ứng sản phẩm ra thị trường không bị đứt và giá bình ổn.

Là đơn vị sản xuất mặt hàng thực phẩm, Hộ kinh doanh cơ sở sản xuất Ba Khánh đã thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”.

Theo ông Trương Thái Thông- đại diện hộ kinh doanh, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19, thực hiện xét nghiệm định kỳ cho công nhân, cơ sở luôn đặt yêu cầu người lao động tuân thủ 5K, đồng thời, thường xuyên khử khuẩn phương tiện, người từ cổng ra vào đến xưởng sản xuất.

Cùng với nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, nhiều DN đã xác định “sống chung” với dịch. Theo ông Cao Minh Quốc, hiện 100% lao động tại công ty đã chích ngừa vắc xin mũi 1, 20% đã chích mũi 2 và đang được tiêm cho đầy đủ.

Cùng với đó, để đảm bảo tài xế thực hiện nghiêm “1 cung đường- 2 điểm đến”, DN đã tăng lương lên 1,5 lần cho lực lượng này. Bên cạnh quy tắc “quản lý chặt tài xế tại chỗ”, tài xế đường dài còn có khu ăn, khu ở, khu cách ly riêng.

Bên cạnh chiến lược phát triển trong ngắn hạn và lâu dài, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng: “DN cũng đã chuẩn bị tâm thế thích ứng điều kiện bình thường mới. Hiện 100% lao động sản xuất tiêm vắc xin mũi 1, DN cũng đặt tiêu chí sản xuất phải an toàn lên hàng đầu.

Qua đó, yêu cầu người lao động phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch trong nhà máy, cũng như ý thức hạn chế tiếp xúc khi về nhà. Điều đó giúp DN an toàn để sản xuất, không phải chịu thiệt hại “lỡ có trường hợp F0 phải đóng cửa nhà máy” khiến người lao động mất việc, mà còn là điều kiện để thích ứng trạng thái bình thường mới.

Theo báo cáo kết quả thực hiện quý III, 9 tháng năm 2021 của Tỉnh ủy Vĩnh Long

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân và các thành phần kinh tế, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế, đến nay Vĩnh Long đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, từng bước đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, quý III/2021 kinh tế bị suy giảm. Sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh, nhiều chuỗi sản xuất có nguy cơ đứt gãy. Đa số DN phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, số DN gặp khó khăn, buộc phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh tăng; hàng chục ngàn công nhân phải nghỉ việc tạm thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch sụt giảm mạnh từ tháng 7 đến nay đã kéo giảm mức tăng trưởng chung 9 tháng. Huy động vốn đầu tư phát triển giảm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm. 

>>> Kỳ sau: Biến thách thức thành cơ hội

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY