Nuôi thủy sản "né" mặn

Cập nhật, 15:23, Thứ Sáu, 01/04/2016 (GMT+7)
Nếu khi ở lưu vực neo bè có độ mặn cao hơn 3‰ cần di dời vào hệ thống nuôi ao đất.
Nếu khi ở lưu vực neo bè có độ mặn cao hơn 3‰ cần di dời vào hệ thống nuôi ao đất.

Ngày 1/4 truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, năm nay ngoài việc tổ chức thả cá về thiên nhiên, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, Chi cục Thủy sản tỉnh còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền người nuôi ra sức bảo vệ nguồn thủy sản trước tình trạng hạn, mặn xâm nhập.

Phát triển nguồn lợi thủy sản

Hiện toàn tỉnh có 199 cơ sở nuôi cá tra gồm 23 công ty và 176 hộ gia đình. Diện tích nuôi cá tra 444ha, tăng 3,2% (14ha) so với cuối năm 2015. Trong đó, diện tích đang thả nuôi 259,7ha, treo ao 70,4ha. Ước sản lượng nuôi cá tra 19.670 tấn.

Toàn tỉnh hiện có 1.043 lồng bè, tăng 16,8% (150 lồng bè) so với cuối năm 2015, trong đó đang thả nuôi 799 lồng bè với đối tượng chủ yếu là cá điêu hồng. Ước sản lượng nuôi cá lồng bè 4.881 tấn. Vùng nuôi cá bè chỉ còn tập trung tại TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua ngành thủy sản tỉnh cũng đã chú trọng phát triển mô hình nuôi các loại thủy sản có giá trị cao như cá lóc, tôm càng xanh, cá thát lát, cá sặt rằn, cá chép giòn, ba ba,… Đến nay tổng diện tích các mô hình này là 29,2ha, sản lượng ước đạt 158,4 tấn.

Chi cục Thủy sản đã cập nhật thông tin tình hình xâm nhập mặn ở các vùng có nguy cơ cao như vàm Chánh An (Mang Thít), Quới An, cống Nàng Âm (Vũng Liêm), vàm Tích Thiện (Trà Ôn), kịp thời tuyên truyền và cảnh báo đến người nuôi. Đồng thời hướng dẫn người nuôi thực hiện các giải pháp kỹ thuật phòng và xử lý độ mặn vượt giới hạn cho phép đối với thủy sản nuôi.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa đang có chiều hướng tăng. Giá cá lóc và các loại thủy sản đặc sản khác ổn định ở mức người nuôi có lãi khá nên kích thích người nuôi mở rộng diện tích.

Chi cục Thủy sản tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi tiên tiến, đồng thời phối hợp tốt với cơ quan thanh tra, kiểm tra nên hiện tượng vi phạm về quản lý chất lượng, quản lý khai thác thủy sản có chiều hướng giảm.

Hiện nay, cá điêu hồng giống chủ yếu nhập từ tỉnh khác, không qua kiểm dịch nên khó kiểm soát chất lượng, tỷ lệ hao hụt cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Điều kiện thời tiết, môi trường đang thuận lợi cho bệnh phát sinh trên cá tra nuôi thâm canh và nuôi cá bè. Thời gian qua, dịch bệnh trên cá tra nuôi xảy ra hầu hết các vùng nuôi trong tỉnh. Thường cá giống hoặc cá nuôi trong 3 tháng đầu có tỷ lệ hao hụt từ 5- 20%.

 Bảo vệ cá nuôi trước hạn, mặn

Hiện xâm nhập mặn cục bộ ở một số vùng có nguy cơ ảnh hưởng đến nuôi thủy sản. Một số vùng đã được cảnh báo ảnh hưởng xâm nhập mặn là toàn bộ cù lao Dài, các xã Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, Quới An, Trung Ngãi và thị trấn Vũng Liêm (Vũng Liêm); toàn bộ cù lao Mây và các xã Vĩnh Xuân, Tích Thiện, Thiện Mỹ (Trà Ôn); các xã Chánh An, An Phước, Chánh Hội, Tân An Hội, và thị trấn Cái Nhum (Mang Thít); xã Ngãi Tứ, Bình Ninh (Tam Bình).

Theo Chi cục Thủy sản, đa số các đối tượng thủy sản nước ngọt nuôi ở tỉnh thuộc loại hẹp muối. Phần lớn các loài cá chỉ có thể chịu đựng được sự dao động nhỏ về độ mặn và rất nhạy cảm sự thay đổi này. Ngưỡng chịu đựng độ mặn từ 0,01- 3‰.

Hầu hết các loài thủy sản nuôi có ngưỡng giới hạn độ mặn dưới 5‰, tùy vào từng loài nhưng biên độ dao động trong ngày không vượt quá 3‰. Độ mặn cá quá ngưỡng chịu đựng cá dễ bị nhiễm các bệnh do vi khuẩn, chậm lớn và có thể sẽ chết hàng loạt nếu biến động trong ngày vượt ngưỡng. Riêng cá tra, cá bông lau, cá lăng nha, rô phi, sặt rằn, cá chình, tôm càng xanh có ngưỡng chịu đựng độ mặn từ 3- 8‰.

Mặc dù độ mặn ở khu vực vùng nuôi có nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn đã quan trắc chỉ vượt ngưỡng chịu đựng của các loài thủy sản trong thời điểm nhất định nhưng người nuôi cần thường xuyên theo dõi dự báo mặn để tránh gây sốc cho vật nuôi. Riêng vùng có nguy cơ xâm nhập mặn, để đề phòng và ứng phó nhiễm mặn cần chú ý làm bờ ao cao, xem xét kỹ nguồn nước cấp vào ao.

Đặc biệt là thời điểm triều cường tăng cao, khi phát hiện độ mặn tăng cao đột ngột cần thay nước ngay, bơm nước ngọt vào ao từ từ bằng máy bơm cỡ nhỏ để tránh biên độ dao động cao đột ngột. Đối với cá nuôi lồng bè, do không chủ động điều chỉnh nồng độ muối trong môi trường sống của cá nên nhất thiết phải nuôi trong vùng quy hoạch. Nếu khi ở lưu vực neo bè có độ mặn cao hơn 3‰, cần di dời vào ao đất.

Chủ động lấy nước ngọt vào ao dự trữ, quản lý môi trường ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học cải thiện chất lượng nước và hạn chế thay nước thường xuyên. Nếu cần thiết phải thay nước thì không thay quá 30% lượng nước trong ao.

Hạn chế lấy nước vào ao tại các thời điểm độ mặn vượt hơn 5‰ cũng như không nên thả giống vào thời điểm khô hạn, xâm nhập mặn. Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm ngay thời điểm thiếu nước và xâm nhập mặn.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi cần thường xuyên bổ sung vitamin C, premix khoáng vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá và cần quản lý thức ăn tốt bằng biện pháp cải tiến cho ăn; nên áp dụng phương pháp cho ăn luân phiên, đa dạng hóa đối tượng, nhất là vào giai đoạn có khả năng xâm nhập mặn để tránh bị thiệt hại nặng.

Bài, ảnh: LÊ SƠN- NGUYỄN HOÀNG