Phổ biến quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản

Cập nhật, 18:19, Thứ Năm, 29/05/2014 (GMT+7)

 

Đó là chủ đề hội nghị do Hiệp hội Cá tra Việt Nam phối hợp Hội Nghề cá và VCCI chi nhánh Cần Thơ tổ chức ngày 29/5/2014, tại TP Cần Thơ (ảnh).

Hội nghị đề cập các loại rào cản phi thuế quan đối với hàng thủy sản xuất khẩu, cụ thể là diễn biến chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA) và vụ kiện chống bán phá giá cá tra và thị trường Mỹ (POR 10). Với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực rào cản phi thuế quan, các doanh nghiệp, nông hộ… Qua đó, nhìn nhận một cách đầy đủ và rõ nét những quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản, đề xuất và thảo luận các biện pháp tháo gỡ hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Tử Cương- Giám đốc VINAFIS, thời kỳ hội nhập kinh tế, các loại rào cản hạn ngạch và thuế quan sẽ được dở bỏ.

Nhưng rào cản kỹ thuật- TBT, rào cản an toàn thực phẩm và an toàn bệnh dịch động thực vật- SPS và nhóm các loại “rào cản khác” được phép tồn tại nhằm đảm bảo sản phẩm trao đổi giữa các quốc gia có chất lượng tốt, an toàn và tự do cạnh tranh trong môi trường tương đương. Đến nay, mới có 49/145 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam đã dựng lên rào cản TBT, SPS, nhưng 49 thị trường này chiếm 97-98% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Hội nghị thảo luận nhiều giải pháp trong sản xuất và chế biến thủy sản, như: phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi sản xuất; thường xuyên truy cập, tìm hiểu yêu cầu của từng quốc gia nhập khẩu. Nhất là khẩn trương xây dựng các rào cản TBT, SPS và các loại rào cản khác áp đặt cho thủy sản nước ngoài muốn xuất khẩu vào Việt Nam

“Chuyên đề cá tra” là phần khá hấp dẫn tại hội nghị, với việc giới thiệu Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Các chuyên gia nhận định về tác động của các đợt POR đối với xuất khẩu cá tra Việt Nam, diễn biến của POR 10, diễn biến của chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, các tác động đến ngành cá tra Việt Nam.

Tin, ảnh: TRẦN PHƯỚC