Khi lãi suất giảm về 7,5%/năm

Cập nhật, 10:13, Thứ Sáu, 29/03/2013 (GMT+7)

Từ ngày 26/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm một loạt các mức lãi suất chủ chốt. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù trần lãi suất giảm xuống 7,5%/năm từ 26/3, song tiền vẫn sẽ đổ vào NH, bởi người dân không biết rót vốn đầu tư vào đâu.

Hiện các NH không thiếu vốn, thậm chí nhiều NH còn chủ động giảm lãi suất huy động trước khi NHNN giảm trần lãi suất.

Trong bối cảnh hiện nay, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán hay vàng đều bấp bênh, nên không ai mặn mà với việc vay vốn. Và do vậy, dù lãi suất huy động giảm, nhưng tín dụng chưa thể tăng mạnh được do không tìm được những doanh nghiệp có đủ điều kiện tin cậy để giải ngân.

Chưa thể kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, NH thừa vốn, lãi suất huy động giảm, nhưng lãi suất cho vay ra vẫn cao là do tỷ lệ nợ xấu hiện nay quá lớn buộc các NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến chi phí vốn tăng cao. Điều này khiến lãi suất cho vay giảm chậm. Công bố của NHNN cho thấy tỷ lệ nợ xấu có thể không lạc quan với mức 6%, mà có thể cao hơn nhiều.

Trong khi đó, phản ứng khá tích cực sau thông tin lãi huy động còn 7,5%, nhưng các doanh nghiệp cho rằng, với sức mua kém trong giai đoạn hiện nay, dù lãi vay có hạ cũng khó giải quyết vấn đề. Sau 6 lần điều chỉnh từ tháng 8/2011, lãi suất huy động hiện đã về 7,5%, giúp nhen lên hy vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ hạ nhanh trong thời gian tới nhằm giải quyết những khó khăn về vốn, và kích thích tiêu dùng.

Với việc lãi suất hạ, người dân ít cân nhắc hơn trong việc chi tiêu và gửi tiết kiệm, nên sẽ kích thích tiêu dùng hơn. Đồng thời, cũng tác động tốt tới tâm lý, khiến người dân tin nền kinh tế đang dần được cải thiện, làm việc mua sắm trở nên hào hứng hơn. Còn đối với doanh nghiệp, cần phải giải quyết tồn kho và nợ xấu thì mới giải tỏa được, chứ riêng giảm lãi suất thôi thì “con chim én chưa làm nên mùa xuân được”.

Bido2_40.com