Thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đòn bẩy phát triển

Cập nhật, 07:25, Chủ Nhật, 29/01/2023 (GMT+7)
Trung tâm Giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long góp phần xây dựng chính quyền số.
Trung tâm Giám sát, điều hành dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long góp phần xây dựng chính quyền số.

(VLO) Năm 2022, ngành thông tin - TT tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tăng cường quản lý báo chí, đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), cải cách hành chính… Qua đó, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

Kết quả tích cực

Theo Giám đốc Sở Thông tin - TT Đoàn Hồng Hạnh, năm 2022, hoạt động báo chí tiếp tục đi vào nề nếp. Sở đã duy trì tốt việc tổ chức họp báo định kỳ hàng quý để cung cấp thông tin cho báo chí, định hướng, làm rõ những vấn đề mà báo chí phản ánh, dư luận quan tâm.

Qua đó giúp cơ quan báo chí đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, những vấn đề dư luận quan tâm; thông tin toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố và tăng thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông băng rộng được đầu tư phát triển. Vùng phủ sóng đảm bảo đến 100% các ấp, khóm; với trên 1,3 triệu thuê bao điện thoại (tăng 17,45% so với năm 2021) và gần 1 triệu thuê bao internet (tăng 15,85% so với năm 2021), phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS được đẩy mạnh thực hiện; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, giúp duy trì hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Nổi bật, Cổng Dịch vụ công tỉnh đã kết nối và đồng bộ trạng thái hơn 343.000 hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện kết nối, khai báo thành công 1.108 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

“Song song đó, các ứng dụng trong thí điểm Dịch vụ đô thị thông minh đều kết nối và chia sẻ, tập trung và thông suốt cho người sử dụng. Đã triển khai thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng đến ấp, khóm với 107 tổ xã và 752 tổ ấp.

Tổ công nghệ số cộng đồng trở thành lực lượng nòng cốt trong CĐS của tỉnh” - bà Đoàn Hồng Hạnh cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Đoàn - Giám đốc MobiFone Vĩnh Long, bắt nhịp xu hướng CĐS, các sản phẩm CĐS của MobiFone được phát triển, thực hiện hiệu quả trên nền tảng doanh nghiệp viễn thông.

Năm 2022, MobiFone đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ CĐS giai đoạn 2022 - 2025 với UBND tỉnh, hợp tác cùng nâng cao hiệu quả trong triển khai CĐS trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội tại tỉnh.

Ngoài ra, nhiều hoạt động chuyên ngành khác cũng đã được triển khai có hiệu quả như: công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, địa phương; các hoạt động bưu chính, viễn thông, xuất bản- in - phát hành đều được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, ngành thông tin - TT vẫn còn một số tồn tại như: tình trạng sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo…

Công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên môi trường internet ngày càng nhiều khó khăn, thách thức; thế lực thù địch luôn lợi dụng những điểm yếu trong hệ thống CNTT nhằm khai thác, thu thập thông tin để chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Tạo bước đột phá

Cần chú trọng đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Cần chú trọng đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoạt động của ngành thông tin - TT ngày càng đi vào chiều sâu, tạo những bước đột phá trong CĐS của tỉnh, góp phần vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của tỉnh.

Trong đó, ngành tiếp tục tập trung tham mưu cho UBND tỉnh triển khai có hiệu quả cơ chế chính sách, các chủ trương của Chính phủ, Bộ Thông tin - TT về công tác thông tin và truyền thông.

Trong lĩnh vực CNTT, ngành cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện các quy chế quy định về CNTT; tham mưu các giải pháp để thực hiện mạnh mẽ hơn CĐS cấp tỉnh, phấn đấu trong năm 2023 lọt vào top 20 của cả nước.

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý thông tin điện tử trên mạng, tiếp tục phấn đấu trong năm 2023 tăng bậc xếp hạng tiêu chí an toàn thông tin mạng.

Hoàn thiện kết nối nền tảng thanh toán điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình CĐS.

Về bưu chính, viễn thông, cần tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác và cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, CNTT, phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

“Ngành cần phối hợp với các sở, ngành đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CĐS trong thời gian tới; nhất là các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên như: y tế, GD - ĐT, TN - MT, GT - VT, xây dựng, nông nghiệp - PTNT...” - bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA