Truyện ngắn: Vùng "kháng chiến lõm"

Cập nhật, 21:54, Thứ Bảy, 20/04/2024 (GMT+7)

NGUYỄN LINH

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Quê anh ngày ấy- vùng “kháng chiến lõm”- ranh giới giữa hai phía ta và địch cứ đan xen nhau. Thông thường thì đêm là của ta và ngày là của địch. Tuy nhiên, có khi vào ban ngày bọn chúng cũng tràn vào càn quét để lục lọi, tra hỏi, khám xét và bắt bớ những người tình nghi theo kiểu muốn bứng nhà bứng cửa, bứng mồ bứng mả của người dân. Những lúc như thế, chúng thường phải huy động lực lượng khá đông, xong tranh thủ rút quân ngay vì sợ.

Trên đường rút, chúng hay tiện tay hái dừa, bắt gà, bắt vịt,... của dân như là của vô chủ. Một vài tên thì: “Má ruột ơi, cho con xin mấy cái trứng gà. Chà, trứng đang ấp dốt dốt như vầy đem luộc nhậu thì còn gì bằng. Tụi bây xin má ít rau răm mọc ở mé mương luôn kìa!”, “ngoại ơi, cho con xin vài xâu khô cá chạch đang phơi ngoài sào, nghen”,...

Hỏi cho ra vẻ lịch sự nhưng không đợi khổ chủ gật đầu, miệng thì hỏi, tay thì bưng, tay hốt. Mấy bà, mấy cô thấy ghét nguýt bằng nửa con mắt rồi quay ngang nói thầm thì một mình: “Nghe tụi bây nói mấy câu ngọt xớt mà tao muốn nóng lạnh luôn hà!”.

Bà con ở vùng “kháng chiến lõm”, người thì trực tiếp tham gia kháng chiến, người đi du kích, làm giao liên, người thì tiếp tế lương thực,... hễ cách mạng hô là dân ứng. Vì vậy, mặc cho đồn bót cứ mọc lên, địch ráo riết thậm chí là điên cuồng càn quét, ta vẫn kiên cường bám trụ theo kiểu người người, nhà nhà đều là “người của mình”.

Điều đó đã khiến cho bọn chúng phải thấp thỏm, điên đầu vì không phân biệt được đâu là dân và đâu là bộ đội cụ Hồ.

Có lần, vài tên kè kè khẩu súng vô xóm ra oai, thị uy với dân để... “ăn cắp vặt” về làm mồi nhậu; mấy thằng háo sắc thì vô kiếm gái quê chọc ghẹo đôi lúc đến sỗ sàng... Đi lẻ tẻ kiểu vậy, gặp dân vùng “lõm” là kể như chết chắc, nhanh- gọn- lẹ, một đi không trở lại.

Lần khác, là chủ ý của chi bộ địa phương. Buổi sáng, chị Liên bơi xuồng đi chợ ấp ở đầu vàm, ngang đồn, bị tụi lính ngoắt lại để khám xét. Tên Trung úy Chiến bụng phệ, từng gây ra nhiều tội ác với dân đang lục lọi cái giỏ đệm.

Biết tên dê sồm này đã mê mình từ lâu, chị giả đò sửa lại cái quay giỏ rồi sờ trúng, vuốt nhẹ rồi xoa xoa bàn tay của hắn. Hơi giật mình, hắn ngẩng đầu nhìn, chị cười nhẹ, khẽ nháy mắt kiểu đá lông nheo.

Nhìn dáo dác, thấy mấy tên lính đang bồng súng đứng trên bờ, hắn nói nhỏ: “Chiều nay, anh vô nhà thăm em và má Năm. Mút mùa Lệ Thủy, mút chỉ cà tha luôn nghen, cưng!”. Nhớ lại những tội ác với dân và cách nói chuyện đến tởm lợm của hắn, chị tức cành hông nhưng giả bộ cười, gật đầu rồi chống xuồng rời bến. Sợ tụi lính trên bờ nhìn thấy, hắn không dám vẫy tay tạm biệt mà chỉ nhìn theo cô gái có đôi mắt đẹp hớp hồn, cười tít mắt.

Nắng chiều vừa nghiêng qua đọt gáo là hắn đã lò mò tới, tướng đi hệt như con chàng bè. Chị Liên niềm nở:

- Anh... Trung úy Chiến đi... có mình ên hén! Sao không rủ thêm mấy anh lính ở đồn cho vui?

Hỏi cắc cớ chơi, chị đã “đi guốc trong bụng” của hắn: vô nhà kiếm gái trong vùng “kháng chiến lõm” phải trốn đồn trưởng, giấu tụi sĩ quan và bọn lính trong đồn chứ đâu dám khoe khoang.

Tên Trung úy sờ sờ chiếc cà rá bự chảng, ngập ngừng rồi đánh trống lảng:

- Tại... tại... Ờ, má Năm có ở nhà không cô Liên?

- Dạ, hồi trưa má nói về nhà ngoại để chuẩn bị đám giỗ.

Tên Trung úy đẫm máu đồng bào đang khấp khởi trong lòng, tưởng dễ ăn cô gái quê đã đẹp lại nói chuyện như rót mật vào tai. Hắn đâu biết rằng sau hè có sáu anh bộ đội, du kích địa phương đang đợi thời cơ.

Sáng hôm sau, dân vùng “kháng chiến lõm” hả dạ truyền tai nhau tin đồn: Tên Trung úy Chiến ác ôn, tối hôm qua không biết đi đâu mà đến sáng vẫn chưa về. Tụi lính nhốn nháo sợ hắn đi đâu lẻ tẻ bị “Việt cộng” trả thù. Tên Đồn trưởng xanh mặt, luýnh quýnh nhờ bọn tề ấp điều tra sự việc viên sĩ quan mất tích bí ẩn.

Cùng với các bạn trang lứa, Út Lợi, cậu thiếu niên tuổi mười lăm, mười sáu đã theo bước cha anh chính thức tham gia vào du kích. Để rồi sau đó, bản thân đã cùng anh em đồng chí, bà con trong xóm trực tiếp tham gia nhiều trận đánh đồn, diệt ác. Có những trận ta toàn thắng và bảo toàn lực lượng, nhưng lại có những trận chạm trán khốc liệt khiến không ít đồng chí đã hy sinh.

Hôm ấy, hay tin khi đêm xuống sẽ có khoảng một trăm bộ đội miền Bắc về “ẩn” ở địa phương ít hôm rồi chia ra tăng cường cho các vùng kháng chiến. Bà con vùng “kháng chiến lõm” háo hức đợi chờ.

Mọi việc để đón tiếp đã được đồng chí bí thư chi bộ giao cho các bác, các cô chú chuẩn bị sẵn sàng. Mấy cô, mấy chị xúm nhau gói bánh tét, bà con thì chuẩn bị nào gạo, gà, vịt, bầu, bí, cá, khô,… Không khí đón các anh bộ đội miền Bắc đáng ra rất nhộn nhịp. Nhưng không, để bảo đảm an toàn, mọi việc đều được làm trong âm thầm, tuyệt mật. Út Lợi lúc ấy tuổi vừa mười bảy, nôn nao chờ để được gặp các anh bộ đội, nghe nói từ phương xa phải lội suối trèo đèo hơn cả ngàn cây số.

Buổi trưa, các anh tản ra, chia thành từng nhóm nhỏ sau vườn để kiếm chút gió mát. Trong khi đó, đầu làng, cuối xóm, các hướng Đông, Tây từ phía sông, phía đồng đều có người địa phương canh gác. Nếu có gì động tĩnh thì tất cả đều nhanh chóng “rút”, bí ẩn như một đội quân “thần”.

Út Lợi và một số du kích địa phương do rành địa hình nên được tổ chức phân công kề cận bảo vệ các anh bộ đội cụ Hồ. Tiếp xúc và nghe các anh tâm sự, Út Lợi tăng thêm cảm phục và ngưỡng mộ.

Minh Trường, chàng trai Hà Nội nhà ở đầu phố Hàng Đậu có nước da trắng, dáng người mảnh khảnh. Thoạt nhìn, không ai nghĩ anh là bộ đội cụ Hồ. Cũng phải, vì anh là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, gác sự nghiệp công danh, lên đường vì miền Nam ruột thịt.

Là dân trí thức, chữ viết đẹp, văn hay, thơ giỏi, còn giọng hát nếu đánh giá một cách khiêm tốn cũng vào loại khá nên anh thường được xếp vào ban văn nghệ của đơn vị. Anh nói Hà Nội quê anh không có vùng “kháng chiến lõm” như nơi này.

Dân ta, đất của ta, mỗi khi máy bay Mỹ ném bom thì tất cả bộ đội, dân quân, tự vệ,… được trang bị pháo cao xạ, súng máy phòng không, súng trường,… phục sẵn từng điểm để bắn khi mục tiêu xuống thấp. Hà Nội đâu đâu cũng thấy hầm và hố, trên đường phố, vỉa hè, trước cửa nhà.

Người dân hễ nghe loa phóng thanh cùng tiếng còi báo động phòng không hú vang là hối hả xuống các hố cá nhân hoặc hầm tập thể tránh bom. Có giai đoạn nhiều người dân Hà Nội đã sơ tán về vùng ven lân cận. Trẻ em đến trường được giáo viên dạy chữ, bện mũ rơm, cầm cuốc, xẻng để đào hầm dã chiến.

Anh Trường nói nếu không có chiến tranh thì Hà Nội quê anh đẹp lắm. Phố Hàng Đậu nơi anh ở có tháp nước Hàng Đậu xây theo kiến trúc Pháp nên lúc nhỏ anh ngây thơ nghĩ nó là ngôi nhà cổ kính. Anh ao ước được bách bộ từ nhà đến hồ Hoàn Kiếm, dạo quanh bờ hồ để ngắm Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc,… khi hết khói lửa chiến tranh, nước nhà thống nhất.

Anh Hòa quê ở làng quê Bắc Bộ. Chiến tranh, nhà nghèo, anh không được học nhiều. Đến tuổi hăm hai thì lên đường vào Nam vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hồi nhỏ, những buổi chạng vạng, bà anh hay gom củi vụn, vỏ cây un khói đuổi muỗi. Khói bay lên cay xè, nồng nồng, anh quẹt tay dụi mắt.

Giờ xa quê, nhìn khói chiều bay lên từ những mái nhà ẩn khuất sau chòm cây, anh càng nhớ lời của bà, khói nhà quê thơm lắm đấy cháu à! Lần đầu biết miền Tây Nam Bộ, anh cảm nhận sự chân tình, nồng nhiệt của bà con dành cho bộ đội miền Bắc. Đặc biệt, các bà má miền Nam gặp bộ đội thì cầm tay, sờ vào mặt như những đứa con lâu ngày mới gặp lại. Anh nói không thể nào quên bà ngoại nhà bên kia con mương nhỏ.

Hôm bơi xuồng qua thăm bộ đội miền Bắc, gặp anh, ngoại nói nhớ đứa cháu đang hoạt động ở chiến khu, hai năm rồi chưa về thăm nhà. Ngoại khóc. Anh Hòa còn bảo nghe mến vô cùng tiếng “dạ” dễ thương hay “mình ên”, “đi dìa”,… lạ lẫm mà rất đáng yêu của các cô gái Nam Bộ.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)