Truyện ngắn: Cô gái đưa đò

Cập nhật, 08:55, Chủ Nhật, 05/11/2023 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng


HOÀNG KHÁNH DUY 

Dạo trước, mỗi lần về quê chơi tôi đều ra bến sông tìm chút ký ức còn sót lại về chị Tuyền. Nhà chị ở bên kia sông. Chị làm nghề đưa đò trên dòng sông này từ lâu lắm rồi. Những ngày còn bé, mỗi lần mẹ dẫn tôi đi chợ hay đi sang nhà bà ngoại đều phải qua đò của chị.

Chắc vì hồi ấy tôi hiền khô nên chị thương, có cái bánh, viên kẹo đều gói ghém dúi vào tay tôi. Tiền đò chị cũng không lấy, chị nói đò chèo, bỏ chút công chứ có mất miếng xăng cộ nào đâu. Mẹ tôi từ chối, trước khi bước lên khỏi đò, mẹ không quên dúi tiền vào tay chị để trả công. Chị cười hiền. Trong mắt tôi suốt một thời thơ bé, ngoài mẹ tôi ra, chị Tuyền là người con gái đẹp nhất nhì xứ này.

Dòng sông chia ranh xóm Rơm với xóm Rạ. Có lẽ vì sông rộng quá nên khó để xây cầu. Vì thế mà bến đò chị Tuyền ngày nào cũng đông khách, chị đưa không ngơi tay. Chỉ riêng buổi trưa với khi hoàng hôn đỏ rực vòm trời, chị mới có thời gian ngồi ngắm nhìn sông nước, chải chuốt mái tóc buông dài của mình. Mái tóc mà chị không nỡ cắt, cũng chẳng có ý định cắt đi. Trong khi những cô gái xóm Rơm, xóm Rạ đang học đòi “mốt” này “mốt” nọ.

Tôi thích mái tóc dài của chị. Những trưa mon men ra sông thấy chị ngồi sau lái ghe xõa tóc rồi chải chuốt, rồi xoa dầu gội bồ kết lên đầu, rồi múc nước từ chiếc khạp mẻ miệng sau lái ghe xối lên tóc để bọt xà bông trắng xóa chảy thành dòng xuống mặt sông phẳng lặng, tôi thấy chị Tuyền đẹp lạ. Chị đẹp theo kiểu của mẹ tôi, bà tôi, của những người sống giữa thời buổi hôm nay vẫn giữ nếp truyền thống xưa cũ, để tóc dài, thích mặc áo bà ba, dáng đi thướt tha, nói năng nhỏ nhẻ... Nắng trưa nghiêng ngả trên mặt sông. Bóng cây ven bờ phía bên xóm Rơm soi xuống che mát con đò của chị nằm chòng chành trên bến. Con sông quê hiền lành, qua bao mùa nắng mưa sông vẫn giữ nguyên nét đẹp thuở ban sơ, trở thành tấm gương in bóng xóm Rơm, xóm Rạ, phản chiếu tâm hồn của người dân xứ này, của chị Tuyền- người con gái quê hương vẫn hàng ngày đưa khách qua đò.

Mùa hè năm đó, phượng vĩ ven bờ nở rộ như ai đốt đống rơm khô trong khung trời màu thiên thanh trong biếc. Hồi ấy nhà tôi sa sút, ba mẹ tôi phải đi làm xa tận xóm bên, cách xóm Rơm, xóm Rạ mấy quãng sông dài. Tôi ở nhà với bà nội. Bà tôi hiền lắm, tóc bạc như mây, hàng ngày bà kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Bà quý chị Tuyền vì chị Tuyền có những nét giống bà, giống mẹ tôi ngày còn trẻ. Một kiểu phụ nữ truyền thống, không thích đua đòi, không cầu kỳ phấn son mà vẫn xinh đẹp và duyên dáng. Hàng ngày bà đều cho tôi ra bến đò chơi với chị Tuyền, không quên dặn tôi không được nghịch nước, không được quấy rầy chị Tuyền để chị còn đưa đò. Sông trưa yên ả, nằm trong khoang đò của chị, tôi nghe được tiếng sóng vỗ oải oạp, tiếng cá đớp mồi, tiếng lá xác xao trên vòm cây. Mắt tôi lim dim. Tôi đang trôi vào khung trời bình yên, thanh tịnh của quê nhà. Mùa hè là mùa đẹp nhất của quê tôi bởi có những tàn phượng già nua trổ bông, thắp lửa. Nằm bên cạnh tôi trên manh chiếu mỏng đã mục ở hai đầu, chị Tuyền kể cho tôi nghe biết bao câu chuyện đẹp. Chị kể về quê mình hồi còn xa lơ xa lắc, về chị, về con sông này.

Những câu chuyện về quê hương không bao giờ nhàm chán. Tôi nằm nghe say mê rồi thiếp đi lúc nào không rõ, đến khi lờ mờ tỉnh thì tôi nghe bên ngoài có tiếng lao xao của khách qua đò...

Mùa mưa đến. Một ngày tôi nằm trong nhà, nghe ngoài sông có tiếng gì vang lên to lắm. Mẹ tôi giật mình chạy ra hàng ba lóng ngóng. Trời vẫn còn đang mưa. Tự dưng lòng tôi nóng lên như lửa đốt. Chị Tuyền!- Tôi bất giác thốt lên. Những ngày này đất ở hai bên bờ sông vẫn thường xuyên sạt lở. Mỗi lần tàu chạy ngang qua, sóng vỗ mạnh vào thềm đất là một vạt đất mỏng hoặc dày đổ sụp xuống lòng sông. Cái bến nước ngày nào, chỗ có cây bông gòn trổ bông đỏ thắm cũng bị ảnh hưởng. Cây không giữ được đất, cũng chẳng thể giữ được thân mình. Một ngày chị Tuyền đưa đò sang xóm Rạ, ở xóm Rơm bên này, cây gòn trốc gốc giã từ đời. Người trong xóm Rơm không đưa được cây gòn cổ thụ lên khỏi dòng sông, cũng không nỡ xẻ thịt cái cây vốn đã ngự trị ở đây từ trăm năm trước. Cây gòn vĩnh viễn nằm lại dưới con sông quê như một báu vật của xóm Rơm.

Mất cái bến sông, chị Tuyền buồn não nuột. Chị lui đò về phía xa xa. Từ sân nhà, tôi không còn trông thấy chị Tuyền lui cui sau lái ghe chải tóc, rửa mặt. Tôi chạy lại bến mới. Chị tôi ngồi buồn thiu. Thấy tôi, chị gọi: “Hải ơi, Hải!”. Tôi lon ton chạy đến. Chị chỉ vào chỗ bên cạnh, ngỏ ý tôi ngồi xuống đó. Dòng sông không còn đẹp như năm ngoái. Hai bên bờ, khung cảnh xơ xác đi nhiều. Tôi biết chị buồn lắm! Dòng sông là tất cả đối với chị. Chị hỏi tôi: “Hải thấy quê mình bây giờ thế nào?”. Tôi ậm ừ một lúc rồi mới trả lời: “Vẫn đẹp, chị ạ!”. Chị gật đầu, cười hiền: “Quê mình bao giờ cũng đẹp em à. Chỉ tiếc rằng cái đẹp ấy đang chóng phai tàn, như hoa phượng hết mùa hè thì chỉ còn xác hoa tàn úa, như đôi bờ trù phú nay chỉ còn trơ trọi cỏ lau”...

“Tại sao vậy chị?”- Tôi đột ngột hỏi.

Chị vuốt tóc gọn sang một bên, nghiêng đầu nhìn xuống dòng nước màu xanh da trời. Ngoài kia, tiếng máy hút cát vẫn vang lên, rầm rộ, đều đặn từ sáng tinh mơ đến tối mịt. “Em thấy đó, những con vật kinh dị kia đang hút hết lòng sông. Đất bên bờ lở cũng vì họ. Cây cối không bám trụ được xóm Rơm, xóm Rạ... cũng vì họ. Bến đò của chị bị xóa sổ... cũng bởi họ”- Nước mắt chị tôi ứa ra. Nhìn cảnh ấy, tôi lại thấy thương chị Tuyền đến nỗi muốn khóc theo chị. Nhưng sợ chị cười, tôi là con trai mà- đứa con trai đang lớn, tâm hồn nhạy cảm luôn dành cho chị mình những tình cảm đẹp đẽ nhất. Tôi chỉ biết rằng cái máy to tướng kia còn kinh khủng hơn những nhân vật dị hợm xuất hiện trong mấy câu chuyện chị tôi hay kể những trưa nằm trong khoang đò gấp nhiều lần...

Dòng sông vẫn từng ngày, từng giờ đón nhận những vạt đất ở hai bên bờ sông. Người trong xóm Rơm thở dài mỗi khi nghe tiếng sạt lở.

Cuối mùa mưa, bầu trời đùng đục. Mùa mưa đi qua để lại bao kỷ niệm đẹp trong tôi. Kỷ niệm về cánh đồng thanh yên. Kỷ niệm về chị Tuyền và con đò nhỏ nằm chòng chành trên bến, vẫn vững chãi qua những cơn mưa giông và qua những lần sạt lở đất. Chị Tuyền vẫn như thế, người con gái của quê hương trong bộ áo bà ba dịu dàng, tóc dài, tay thoăn thoắt đôi mái chèo lướt băng băng trên sông. Bóng hình của chị, của mẹ tôi, bà tôi chính là bóng hình của quê hương, của xóm Rơm nhỏ xíu này, để tôi thêm yêu mến thiết tha.

Tôi nhớ có lần chị Tuyền kể cho tôi nghe về gia cảnh của chị. Nhà chị nghèo, chị phải nghỉ học sớm để chèo đò kiếm tiền phụ mẹ. Cuộc đời lênh đênh trên sông đã tôi luyện cho chị trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh, kiên cường, sóng gió thế nào cũng chẳng gãy đổ, dẫu bề ngoài trông chị tôi mềm mại, thướt tha.

Thời gian cứ trôi. Mỗi năm đi qua, tôi càng thêm lớn, và những kỷ niệm trong con đò của chị và dòng sông vắt vẻo giữa đôi xóm Rơm- Rạ ngày thêm đong đầy. Sông quê dần hồi sinh. Những chiếc máy hút cát không còn bén mảng đến quãng sông này. Tôi và chị Tuyền rất vui. Tất nhiên bây giờ tôi không còn nằm cheo veo trong khoang đò của chị hay dựa vai, bá cổ, níu tay chị như khi mình còn nhỏ. Bởi tôi đã lớn rồi. Còn chị Tuyền vẫn giữ hoài một màu xuân sắc...

Một mùa mưa nữa lại sang. Cảnh cũ, người xưa. Xóm Rơm mọc thêm vài căn nhà mới, tường quét vôi, mái tôn sáng loáng. Đò chị Tuyền ngày một vắng khách. Con đường cạnh dòng sông đã được trải nhựa thông thoáng, xe cộ thong dong. Người ta chọn đi xe thay vì đi đò. Hơn nữa, dự án xây cầu năm nào nay đã khởi công. Xóm phất lên trông thấy.

“Chắc sắp tới chị thôi đưa đò, Hải ạ!”- Chị Tuyền khe khẽ nói. Tôi giật mình: “Sao vậy, chị?”. Chị cười khúc khích nhưng không giấu được nỗi buồn đang hiển hiện trong đôi mắt long lanh: “Chị cũng phải đi lấy chồng chứ? Có còn trẻ trung gì nữa đâu?”. Tôi buồn buồn. Chị vỗ vai tôi, nói đùa: “Chị ế là Hải nuôi chị tới già, chịu không?”. Tôi im lặng. Chẳng lẽ đi nói với chị rằng, chuyện đó dễ ợt chứ có gì đâu...

Ngày tôi rời xóm Rơm, tôi đến bến đò chia tay chị. Hôm ấy chị không đưa đò. Chúng tôi ngồi với nhau hơn nửa ngày trời ở bến sông, rồi lại xuống mũi ghe ngồi vọc nước, vớt bèo rồi lại thả những cánh bèo tai chuột mong manh ra sông. Toàn những trò chơi đã trở thành kỷ niệm. Tôi nhìn chị thật lâu, nhìn sâu vào đôi mắt trong biếc của chị. “Làm gì nhìn chị dữ vậy, sợ đi lên thành phố học rồi quên chị hay sao?”- Chị đùa. Tôi cười. Nếu không cố nén lại, chắc tôi đã bật khóc. Thuở thiếu thời có chị kề bên- chị là người con gái của quê hương, người thiếu nữ đưa đò hàng ngày dẫu nắng nôi vẫn không làm da chị sạm màu, không làm phai mờ nét đẹp trên khuôn mặt chị. Tôi cầm bàn tay thon thon của chị, đôi tay đã gánh gồng nắng mưa, đôi tay ngày nào chị nắm níu tôi bước xuống chiếc ghe nhỏ của chị để nghe chị kể chuyện về dòng sông vắt ngang xóm nhỏ êm đềm:

- Chị Tuyền đừng quên em nhé! Khi nào thong thả, em về xóm Rơm thăm chị!

Chị gật đầu. Như để tôi yên tâm hơn, chị đưa ngón út ra hiệu “ngoéo tay”. Lòng tôi ấm lạ. Tôi lên thành phố. Miền quê, ba mẹ tôi, bà tôi, và chị vẫn in hằn trong tâm khảm của tôi.

Rồi một ngày, mẹ gọi điện nói với tôi chị đã lấy chồng, ngày rước dâu xác pháo rụng đầy sông. Bến quê rộn rã lên trong thoáng chốc. Tim tôi vừa xót, vừa lâng lâng khó tả. Dẫu sao tôi vẫn mừng vì chị Tuyền sau bao năm lênh đênh trên sông nước đã tìm được bến đỗ bình yên cho cuộc đời của mình.

Mấy lần về quê, tôi ra bờ sông tìm bóng hình của chị. Tất nhiên là không thấy. Cây cầu đúc cũng đã xây xong khiến ai cũng quên bẵng đi bến nước năm nào, quên chị. Chỉ mỗi tôi vẫn còn nhớ như in bóng người con gái chốn quê nghèo.

Một chiều tôi ra bến nước ngồi ngắm sông nước mây trời, ngắm quê mình phát triển từng ngày, chợt thấy người phụ nữ đội nón lá, ẵm đứa nhỏ đi qua chiếc cầu đúc nối đôi bờ Rơm- Rạ. Tôi gọi vống như thể sợ rằng cái bóng hình kia sẽ biền biệt mất:

“Chị Tuyền... Chị Tuyền ơi...!”.

Chị ngoái lại, chớp mắt lia lịa cho nhìn rõ người đang gọi mình. Chị không nhận ra tôi trong hình dạng của người thanh niên trưởng thành, đã nhiều lần va vấp. Tôi phân trần: “Em, Hải nè! Chị quên em rồi sao?”. “Trời ơi, Hải!”- Chị thốt lên- “Em giờ khác quá!”... Rồi chị nhận ra, tặc lưỡi: “Gần mười năm rồi còn gì...”.

Trong mắt tôi, chị Tuyền vẫn đẹp và duyên dáng như ngày nào. Chị em tôi tay bắt mặt mừng, vẫn không quên ôn lại những kỷ niệm ngày xưa cũ. Trong tim tôi, chị Tuyền vẫn luôn là cô gái của quê hương. Bóng dáng chị đã quyện vào bóng dáng quê nhà, vào ký ức tôi, nhắc tôi dẫu đi đâu, làm gì cũng không bao giờ lãng quên miền quê hiền lành bên dòng sông nhỏ...