Cần trao thêm quyền cho trưởng đoàn thanh tra để kịp thời xử lý tiền, tài sản vi phạm

Cập nhật, 06:16, Thứ Tư, 26/10/2022 (GMT+7)

Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Đa số đại biểu đồng tình với dự thảo luật vì đã tương đối hoàn chỉnh, giải quyết được nhiều vấn đề bất cập, tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động thanh tra.

Đóng góp thêm, đại biểu cho rằng dự thảo luật còn bỏ trống, chưa quy định rõ việc chậm ban hành kết luận thanh tra và đề nghị cần quy định rõ vấn đề này trong dự thảo luật. Lý do, có những cuộc thanh tra thực hiện từ năm 2015 – 2016 nhưng đến nay chưa có kết luận. Thực tế còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, luật vẫn chưa quy định rõ cơ chế xử lý chồng chéo nếu hai cơ quan này không thống nhất được với nhau thì sẽ xử lý ra sao. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm nội dung này. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở…

Về bổ nhiệm chánh thanh tra tỉnh, sở, huyện, đại biểu cho rằng, Bộ Chính trị đã có văn bản quy định phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giới thiệu cán bộ ứng cử, vì vậy, không nên quy định vào luật việc phải tham khảo ý kiến của thanh tra cấp trên.

Về vấn đề thu hồi tài sản sau thanh tra, đại biểu đề nghị cần trao thêm quyền cho trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra để kịp thời xử lý tiền, tài sản vi phạm kể cả ngay trong quá trình thanh tra chứ không phải chờ sau khi kết luận thanh tra mới ban hành các quy định để xử lý.

TÂM HUỲNH