Cần bổ sung quy định về tự chủ của bệnh viện công

Cập nhật, 14:03, Thứ Ba, 25/10/2022 (GMT+7)

Ngày 24/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tham gia đóng góp, nhiều ý kiến cho rằng hiện có nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách. Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về tự chủ của bệnh viện công, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng những quy định trong luật chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa, tự chủ bệnh viện đang đặt ra trong thực tế. Theo đại biểu, mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế, tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang loay hoay để giảm xuống mức thấp nhất giá thanh toán theo BHYT. Đại biểu đề nghị, cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế, để rút ra bài học, giải pháp, làm tiền đề để có những quy định sát với thực tế trong các vấn đề đấu thầu thuốc, đào tạo nhân lực…

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh để đảm bảo tính phù hợp, toàn diện nhưng không làm tăng chi phí cho bệnh nhân. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh một cách tốt nhất. Về quyền của người bệnh, đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sĩ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần. Đồng thời, cần bổ sung quyền than phiền, khiếu nại chứ không chỉ quyền kiến nghị của người bệnh.

TÂM HUỲNH