Kỳ 2

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc: Quan điểm cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh

Cập nhật, 17:27, Thứ Năm, 10/02/2022 (GMT+7)

 

Đời sống nông dân ngày càng no ấm.Ảnh: THẢO LY
Đời sống nông dân ngày càng no ấm.Ảnh: THẢO LY

(VLO) “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” thể hiện tinh thần, văn minh, chân lý Việt Nam đã sáng tỏ trí tuệ Hồ Chí Minh, là định chuẩn về giải phóng con người, với tiêu chí con người Việt Nam phải được sống trong không gian sinh tồn độc lập của dân tộc mình, phải sống trong một xã hội đảm bảo mọi điều kiện đưa lại Tự do và Hạnh phúc cho mỗi người dân, hay nói một cách ngắn gọn, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ quan điểm về giải phóng con người trong thời đại mới.

Hệ quan điểm trên bao hàm một số vấn đề sau:

Một là, chỉ ra rất rõ ràng và cụ thể con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc phải gắn liền với xây dựng một xã hội mới thủ tiêu mọi áp bức, bất công và trong không gian sinh tồn độc lập của dân tộc phải xây dựng xã hội mới để không ngừng hoàn thiện các giá trị về Tự do và Hạnh phúc cho con người Việt Nam.

Phải tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là con đường tất yếu phải đi, con đường đó phù hợp với sự tiến hóa chung của: lịch sử loài người là quá trình đấu tranh tự giải phóng để được giải phóng ngày càng cao hơn.

Hai là, đây chính là chuẩn mực để theo đó xây dựng lực lượng cách mạng ở nước ta mà trước hết là xây dựng tổ chức tiên phong của giai cấp và dân tộc- Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta chỉ có một lợi ích là “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, đó chính là mục tiêu phấn đấu rất cụ thể để Đảng phụng sự và đảng viên của đảng nguyện thề trung thành và thực hiện. Đó cũng là lý do tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nó biểu thị lợi ích chung và lâu dài của các dân tộc sinh sống trên đất nước ta, của mọi giai tầng, của toàn thể con dân đất Việt.

Trên ý nghĩa ấy, tiêu chí của Nhà nước ta chính là mẫu số chung để đoàn kết toàn dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, giai tầng, tín ngưỡng... trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cho nên, nó chính là cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng, xây dựng niềm tin, đồng thời tạo ra hiệu ứng tích cực, phát huy lòng tự tôn dân tộc trong toàn thể đồng bào, làm gia tăng tối đa sức mạnh nội tại của dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và phục hưng dân tộc.

Điều này cho thấy tiêu chí của Nhà nước mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập là để đoàn kết, phát huy tất cả sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc, khơi dậy mọi tiềm năng và làm nẩy nở những cái mới, cái đẹp của cả dân tộc, trong mỗi con người vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước vì những mục tiêu cao cả.

Tiêu chí này luôn là động lực to lớn tạo nên sức mạnh vĩ đại để dân tộc và mỗi người Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Dân tộc nào cũng muốn độc lập, không con người nào lại không hướng tới Tự do- Hạnh phúc, nên tiêu chí của Nhà nước ta cũng chính là mẫu số chung để đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc ta với sức mạnh của nhân loại tiến bộ, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại.

Trên ý nghĩa đối ngoại, tiêu chí đó cũng chính là tuyên ngôn nguyên tắc của Việt Nam để là bạn và làm bạn với tất cả các nước. Hòa bình, hữu nghị, bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc và quyền con người là “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc”.

Ba là, đây cũng chính là mục tiêu phấn đấu cơ bản của Nhà nước ta- như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, đó là “cái mục đích chúng ta đi đến”.

Mục tiêu đó khẳng định Nhà nước phải không ngừng phấn đấu để bảo đảm quyền dân tộc Độc lập và quyền được Tự do và Hạnh phúc của con người Việt Nam- những giá trị mà loài người đã, đang và sẽ tiếp tục tranh đấu để đạt tới và hoàn thiện nó.

Với ý nghĩa là nền tảng tinh thần và là lý do tồn tại của Nhà nước ta, tiêu chí này là cơ sở quyền lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng như của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” là mục tiêu bất biến của Nhà nước dân chủ mới ở nước ta.

“Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” còn là yêu cầu, là tiêu chuẩn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cho việc thiết kế và tổ chức xây dựng xã hội mới ở nước ta. Xã hội mới đó phải được thiết kế theo hình thức và được tổ chức xây dựng để giữ độc lập cho dân tộc và trong xã hội đó quyền Tự do và Hạnh phúc của con người được đảm bảo và không ngừng hoàn thiện.

Bốn là, đây cũng đồng thời là yêu cầu và nội dung phải hướng tới để hình thành chuẩn mực đạo đức hàng đầu của người Việt Nam phải là “Trung với nước, hiếu với dân”.

Người “Trung với nước” thì phải ra sức bảo vệ và sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, “hiếu với dân” là phải tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, góp phần đem lại Tự do và Hạnh phúc cho toàn thể đồng bào.

Năm là, với những gạch nối liên hệ (-), “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” chỉ rõ sự gắn bó biện chứng giữa vấn đề dân tộc với giai cấp, giữa độc lập dân tộc với phát triển xã hội, giữa phục hưng dân tộc gắn với sự phát triển của Tự do và Hạnh phúc cho con người Việt Nam.

Trong mối kết ngang đó, Độc lập dân tộc là trước hết, trên hết, là tiền đề, là cơ sở cho Tự do- Hạnh phúc của con người Việt Nam. Không có Độc lập dân tộc không thể nói Tự do- Hạnh phúc thực sự cho con người Việt Nam.

Nhưng đồng thời, Tự do- Hạnh phúc cho con người Việt Nam là nội lực, là sức mạnh, là sự đảm bảo duy nhất cho Độc lập dân tộc với tư cách là lực lượng, là chủ thể của đất nước.

Tự do- Hạnh phúc của con người Việt Nam chính là nội dung của độc lập dân tộc, làm hoàn chỉnh ý nghĩa của độc lập dân tộc, giúp cho độc lập và độc lập dân tộc là điều kiện đảm bảo để ngày càng hoàn thiện các giá trị Tự do và Hạnh phúc cho con người Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.

Ngoài ra, “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” còn biểu thị quan điểm và phương pháp Hồ Chí Minh trong việc giải quyết mối quan hệ dân tộc với giai cấp, quyền dân tộc với quyền con người.

Kỳ cuối: Định hướng cho sự phát triển

QUANG CHIẾN