Ngọn đuốc soi đường cho dân tộc tiến lên

Kỳ 3: Sức mạnh của "ý Đảng, lòng dân"

Cập nhật, 06:54, Thứ Tư, 04/09/2019 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Phát huy dân chủ- bài học vẫn nguyên giá trị

>> Kỳ 2: "Ý Đảng, lòng dân" trong công tác giảm nghèo

Nông thôn xã Mỹ Lộc ngày càng sáng hơn, đẹp hơn.
Nông thôn xã Mỹ Lộc ngày càng sáng hơn, đẹp hơn.

50 năm qua (1969- 2019), Đảng, Nhà nước cùng quân và dân tỉnh Vĩnh Long luôn kiên trì thực hiện những lời căn dặn đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời cuối trong Di chúc, Người nhắc “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh…”.

Thực hiện theo lời di nguyện đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân để biến một tỉnh thuần nông trở thành những miền quê đáng sống.

Đổi thay trên quê hương anh hùng

Những ngày này, chúng tôi trở về thăm xã Mỹ Lộc (Tam Bình)- vùng đất từng hứng chịu hàng ngàn tấn bom của địch giờ đây đã trở thành vùng quê trù phú với những mảnh vườn, thửa ruộng mướt màu xanh.

Hơn thế nữa, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, những căn nhà tạm bợ, tre lá giờ đã “nhường chỗ” cho những căn nhà tường khang trang và điểm tô bởi các loại hoa, cây cảnh tạo nên sức sống mới ở vùng nông thôn.

Đó chính là thành quả của sự “đồng tâm hiệp lực và là sức mạnh của ý Đảng, lòng dân”- Bí thư Đảng ủy xã- Võ Ngọc Liền nhận định. Là xã anh hùng trong kháng chiến, đến thời bình, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xã Mỹ Lộc tiếp tục chung tay xây dựng quê hương và đã đưa Mỹ Lộc trở thành xã đầu tiên của huyện Tam Bình về đích nông thôn mới (NTM). Đến nay, Mỹ Lộc tiếp tục là xã đầu tiên được huyện chọn xây xã NTM nâng cao.

Trên tuyến đường Ấp 10, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tố Duyên. Trước đây, gia đình chị Duyên chỉ có 2 công đất và là hộ nghèo của xã. Năm 2014, khi có chủ trương xây đường giao thông nông thôn và tuyến đường chạy xuôi theo phần đất vườn của gia đình chị.

Gia đình chị Duyên (phải) tích cực hiến đất để công trình sớm hoàn thành.
Gia đình chị Duyên (phải) tích cực hiến đất để công trình sớm hoàn thành.

Thông qua sự vận động của địa phương, mẹ chị Duyên- bà Phạm Thị Sánh- khi còn sống và là chủ đất đã gật đầu “cái rụp” hiến gần 1 công đất trồng dừa và chuối với mong muốn cho “đời con cháu có điều kiện đi lại thuận tiện, đời sống tốt hơn”.

Chị Duyên nhớ lại: Thời chị đi học, phải đi đò qua sông, tới xã Phú Lộc mới có đường đi, mà lúc đó đường đi thì ít, cầu khỉ thì nhiều, đi học mà té lên té xuống ướt hết tập vở. Những năm 1990, đi đâu cũng phải coi con nước mới đi, chứ thôi là phải lội sình bùn, quần áo lấm lem.

Giờ có con lộ này, bước ra khỏi nhà là lên xe chạy bon bon, không phải lo lắng, suy nghĩ gì, đi TP Hồ Chí Minh thì chỉ cần “a lô” là có xe đến tận nhà đón.

Chị Duyên còn cho biết thêm, sắp tới khi công trình đê bao sông Cái Ngang được đầu tư đi ngang qua phần đất nhà, gia đình chị sẽ tiếp tục hiến thêm đất. Tuy mất đất vậy nhưng đổi lại “được an tâm sản xuất và có đường sá hoàn chỉnh là quý rồi”- chị Duyên nói.

Khi bắt tay xây dựng NTM, bình quân các xã trong tỉnh chỉ mới đạt 3,1/19 tiêu chí. Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có TX Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 45/89 xã đạt chuẩn NTM. Hiện, toàn tỉnh đạt 1.370 tiêu chí, số tiêu chí đạt bình quân là 15,4 tiêu chí/xã, tăng 12,3 tiêu chí so năm 2011; tỉnh không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, tăng 75 xã so năm 2011.

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong”, thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng bộ xã Mỹ Lộc đã khơi dậy sức mạnh lớn lao của nhân dân khi xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Trong đó, gia đình bà Đinh Thị Ba cùng nhiều hộ dân ở Ấp 10 đã làm nên “kỳ tích” trong cuộc vận động sự chung sức, đồng lòng của nhân dân.

Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nhất là ruộng đất của ông cha để lại không ai dễ cho đi nhưng người dân Ấp 10 của xã Mỹ Lộc thì nghĩ khác.

Cùng nhau hiến đất làm bờ đê, sau đó hiến thêm đất để mở rộng làm đường đan. Đến khi xây dựng NTM, vẫn tiếp tục cùng nhau hiến đất để nhựa hóa con đường. Điều đáng quý là người dân nơi đây sẵn sàng “dồn điền đổi thửa”, đổi đất với nhau và cùng hiến đất cho Nhà nước xây đường.

Sau khi hiến đất, bà Ba chăm chút trồng hoa dọc theo tuyến đường để làm đẹp cảnh quan.
Sau khi hiến đất, bà Ba chăm chút trồng hoa dọc theo tuyến đường để làm đẹp cảnh quan.

Theo thiết kế của công trình, tuyến đường Ấp 10 sẽ chạy xuôi qua phần đất nhà của bà Đinh Thị Ba tới 3 công đất. Tuy gia đình bà Ba rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước, nhưng việc mất quá nhiều đất cũng ảnh hưởng đến đời sống gia đình.

Chính vì thế, qua bàn bạc với gia đình bà Ba, địa phương đã có sự linh hoạt, chủ động trong việc vận động các hộ lân cận cùng đổi đất với bà Ba để mỗi người đều tham gia hiến đất. Như vậy, gia đình bà Ba không phải hiến quá nhiều đất, chỉ hiến 1 công thay vì 3 công như dự tính lúc đầu.

“Thời chiến, gia đình chồng tui theo cách mạng đánh đuổi quân xâm lăng; gia đình tui thì hiến xuồng, ghe máy phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân. Thời bình, Nhà nước cần thì tiếp tục hiến đất để xây mới quê nhà và thành quả mang lại đã “hơn cả sự mong đợi”- bà Ba kể và nhắc lại- “Trong Di chúc, Bác Hồ từng cho rằng “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây lại hơn mười ngày nay”, nhưng tui thấy quê hương mình đã đổi thay hơn mấy chục lần so trước ngày giải phóng”.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc- Võ Ngọc Liền cho biết: Qua biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, người dân đã từ từ hiểu được ý nghĩa của công trình mang lại, nên đã sẵn sàng cho đi “tấc vàng” để biến vùng đất đầy gian khó ngày nào trở nên xinh đẹp, trù phú. Giờ đây, người dân xã Mỹ Lộc nói chung và Ấp 10 nói riêng không những có đường đi thông suốt mà nước sạch, điện thắp sáng… đã kéo về vùng quê.

Mỹ Lộc chỉ là địa phương điển hình trong số rất nhiều xã của tỉnh đã xây dựng thành công xã NTM và đang hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao.

Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- cho rằng: Phong trào xây dựng NTM trong những năm qua đã có nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, tỉnh đã hoàn thành trước 2 năm so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020.

Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và nhận thức về xây dựng NTM của người dân được nâng lên; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã giảm đi rõ rệt.

Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã huy động gần 7.130 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác gần 1.317 tỷ đồng, chiếm gần 18,5%.

Đồng chí Trần Văn Rón cũng cho rằng: Xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị và chủ thể là người dân. Thời gian tới, cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM. Trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực phục vụ cho nhu cầu người dân, nhất là ở các xã xây NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Ông Trần Nhật Lam- Phó Chánh Văn phòng điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM- cho rằng: Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng to lớn, có khởi đầu và không có kết thúc, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa của tỉnh và của toàn vùng, đòi hỏi sự ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Những kết quả đạt được của tỉnh Vĩnh Long thời gian qua rất tích cực và toàn diện trên các cấp độ. Trong đó, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, sự hài lòng của người dân được nâng cao, nhiều tiêu chí đạt cao, tạo ấn tượng so với toàn vùng.

 

Kỳ 4: Xứng đáng là người thừa kế “vừa hồng vừa chuyên”

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN