Ngọn đuốc soi đường cho dân tộc tiến lên

Kỳ 2: "Ý Đảng, lòng dân" trong công tác giảm nghèo

Cập nhật, 06:05, Thứ Hai, 02/09/2019 (GMT+7)

Suốt chặng đường 50 năm qua, kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt thực hiện chủ trương của Đảng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Công tác xóa đói giảm nghèo được tỉnh Vĩnh Long cụ thể hóa trong những Nghị quyết, chương trình hành động, thể hiện được “ý Đảng, lòng dân” với những quan điểm, mục tiêu cụ thể và được triển khai đồng bộ cùng với các chương trình kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Không còn chật vật “bữa đói bữa no”, nhiều đồng bào Khmer đã có nhà cửa khang trang, đời sống ổn định.
Không còn chật vật “bữa đói bữa no”, nhiều đồng bào Khmer đã có nhà cửa khang trang, đời sống ổn định.

Để đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc

Thực hiện lời dặn của Bác, suốt nửa thế kỷ qua, nhận thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh về giảm nghèo và tiến đến giảm nghèo bền vững luôn rõ ràng, sâu sắc, “đồng tâm hiệp sức” nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân như mong muốn của Bác Hồ.

Theo đó, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ V, tỉnh đưa ra chính sách và biện pháp xóa đói giảm nghèo. Đây là lần đầu tiên công tác xóa đói giảm nghèo được xem là một trong những chương trình lớn
của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010- 2015 đã đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 2%/năm. Đây là một trong những chủ trương thể hiện đậm nét sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng bộ tỉnh mang tính nhân đạo, nhân văn cao.

Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện với nhiều giải pháp như tuyên truyền vận động, huy động các nguồn lực và triển khai các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng, việc làm, dạy nghề, hướng dẫn cách sản xuất, hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo, hộ nghèo, xã khó khăn… và công tác giảm nghèo đã đạt được kết quả tích cực.

Cụ thể như đã hỗ trợ vay vốn tín dụng cho trên 200.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng vốn vay trên 1.666 tỷ đồng; hướng dẫn cách làm ăn cho trên 30.000 lượt người nghèo; miễn phí dạy nghề cho 5.733 lượt người nghèo, người cận nghèo…

Qua đó, 23.184 hộ nghèo giảm được trong giai đoạn 2011- 2015 là thắng lợi lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Niềm vui chân chất trên gương mặt cô Thạch Thị Rớt (ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ- Tam Bình) khi nói về sự đổi thay đời sống qua 50 năm. Đã 66 tuổi, cô Rớt từng trải qua những ngày “nghèo khổ lắm”, “nhà lá dột nát mà không có tiền lợp lại”, cả nhà chen chúc nhau trong căn phòng nhỏ xíu.

Được địa phương vận động hỗ trợ 35 triệu đồng xây căn nhà khá khang trang, cô Rớt “cảm ơn hoài không hết tình nghĩa”. Được thoát nghèo vào cuối năm 2017, cô Rớt mừng rơi nước mắt.

Cô chia sẻ: “Giờ nhà cửa vững vàng, chỉ còn lo làm kiếm ăn mỗi ngày. Tui vừa làm ruộng, nuôi thêm gà, vịt, vừa nhận đan dây nhựa kiếm thêm. Cuộc sống cũng ổn lắm”.

Theo báo cáo của BCH Đảng bộ huyện Tam Bình, thời gian qua, huyện triển khai kịp thời, đầy đủ chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân tộc.

Kết quả, năm 2010, xã Loan Mỹ thoát khỏi xã nghèo theo Chương trình 135/CP. Bên cạnh đó, huyện là đơn vị dẫn đầu tỉnh về công tác đào tạo nghề nông thôn, bình quân hàng năm, huyện đào tạo trên 1.000 lao động, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 82%; tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật chiếm 64,4%, giới thiệu việc làm cho hơn 5.000 lao động, xuất khẩu hơn 100 lao động.

Không chỉ huyện Tam Bình, công tác xóa đói giảm nghèo được hầu hết các địa phương quan tâm thực hiện.

Chị Thạch Thị Mỹ Hà (xã An Phước- Mang Thít) rưng rưng nước mắt khi nhắc lại khoảng thời gian “khổ lắm”, “giờ cứ nhắc đến là thấy sợ” vì cái nghèo trước đây. Đôi bàn tay trắng, vợ chồng đi làm “công nhật” đủ nghề, từ làm gốm, gạch rồi đi thu mua phế liệu để nuôi 2 con nhỏ.

Nhưng với tinh thần chịu thương chịu khó kết hợp với nguồn vốn vay ưu đãi của Hội LHPN xã, chị Hà đã mở ra kinh doanh “vựa thu mua phế liệu nhỏ” và dần dần sửa sang nhà cửa kiên cố. Thoát nghèo năm 2016, vừa thu mua phế liệu vừa đi làm gốm, hiện đời sống gia đình ổn định.

Chị Phạm Thị Hồng Xuân- Chủ tịch Hội LHPN xã An Phước (Mang Thít)- cho biết, chị Hà là người cầu tiến, cố gắng vươn lên bằng khả năng bản thân, làm ăn phát triển kinh tế, từ nghèo vươn lên khá. Theo chị Xuân, muốn giảm nghèo hiệu quả phải có sự kết hợp giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và ý chí vươn lên của người dân.

Giảm nghèo bền vững và chặng đường sắp tới

Nỗ lực phấn đấu vươn lên, chị Thạch Thị Mỹ Hà (xã An Phước- Mang Thít) mở rộng vựa thu mua phế liệu, thoát nghèo bền vững.
Nỗ lực phấn đấu vươn lên, chị Thạch Thị Mỹ Hà (xã An Phước- Mang Thít) mở rộng vựa thu mua phế liệu, thoát nghèo bền vững.

Phấn đấu làm theo lời dạy của Bác, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng, tích cực hưởng ứng thực hiện đi vào chiều sâu.

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và địa phương về thực hiện công tác, chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của những hộ nghèo nói chung và đồng bào Khmer nói riêng trong toàn tỉnh từng bước được nâng cao.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng liên tục qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng/người (tăng 2,5 lần so với năm 2010); hộ nghèo còn 1,02% tổng số hộ trên địa bàn, giảm bình quân hàng năm 1,56%.

Vượt lên ngưỡng nghèo, các hộ gia đình tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu. Qua 5 năm sau khi thoát nghèo, vợ chồng chị Thạch Thị Kim Yến (xã An Phước- Mang Thít) hiện nay vừa đi lái xe tải vận chuyển hàng hóa vừa “bỏ mối” trứng gia cầm, không ngừng nâng cao thu nhập.

“Ngày xưa, vợ chồng chị làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày lo cho cha mẹ già và con nhỏ, nghèo lắm. Nhận được sự hỗ trợ, động viên của địa phương, vợ chồng chị quyết chí phải đi lên bằng chính sức mình để thay đổi cuộc sống”- chị Yến chia sẻ.

Rồi với số vốn từ chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167, “có an cư thì mới lạc nghiệp”, chị Yến xác định “làm nhà trước rồi từ từ đi làm bồi đắp thêm”.

Giờ đây, với căn nhà ngày càng khang trang, khá đầy đủ tiện nghi, gia đình chị Yến được xem là một trong những gương điển hình vì sự cố gắng không ngừng nghỉ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đề ra chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu về giảm nghèo là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1%. Riêng năm 2019 là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Do vậy, công tác xóa đói giảm nghèo càng được Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long đặc biệt quan tâm, với phấn đấu giảm còn 0,8% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều.

Từ đầu năm, BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra chủ trương “Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”; tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo người nghèo tiếp cận được các dịch vụ tối thiểu, có việc làm và được vay vốn giải quyết việc làm ổn định.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đạt được kế hoạch đề ra, tiếp tục tạo nền tảng cho mục tiêu giảm nghèo bền vững sắp tới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng bộ tỉnh luôn xác định lấy dân làm gốc, tin dân, dựa hẳn vào dân, gắn bó máu thịt với nhân dân để xây dựng, củng cố và phát triển phong trào quần chúng thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thành mục tiêu của cách mạng. Đồng thời, không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân theo lời Bác dặn “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ…

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Để từ đó, khơi dậy mạnh mẽ niềm tin vào tương lai của đất nước.

Kỳ sau: Sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân”

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN