Bịa đặt, nói xấu người khác có thể bị xử lý hình sự

Cập nhật, 14:36, Thứ Năm, 03/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi và người bạn xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, tôi thường bị người này đặt chuyện nói xấu gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tôi và gia đình tôi. Xin hỏi, pháp luật quy định xử lý hành vi bịa đặt, nói xấu người khác như thế nào?

Võ Kim Lý (Bình Tân)

Trả lời: Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do đó, tùy vào nội dung của lời nói xấu, mức độ ảnh hưởng thì người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng.

Trường hợp đủ yếu tố xử lý hình sự sẽ bị khởi tố tội “Vu khống” quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là 7 năm tù giam. Ngoài bị xử lý hành chính hoặc hình sự, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại về xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác theo luật định.

TT. PHÒNG BẠN ĐỌC