Thận trọng với thức ăn đường phố

Cập nhật, 13:57, Thứ Tư, 15/05/2024 (GMT+7)

Từ lâu ở nước ta, thức ăn đường phố được bày bán khá phổ biến và rất được ưa chuộng bởi sự đa dạng, phong phú. Phải công nhận rằng, với sự tiện lợi và giá rẻ, thức ăn đường phố vẫn là lựa chọn của người dân các đô thị nói chung.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngoài sự ảnh hưởng về lâu dài đối với sức khỏe người sử dụng, thì khá nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể từng xảy ra khi người dân ăn uống tại các quán hàng ngoài đường phố, cũng luôn là điều khiến không ít người tỏ ra băn khoăn, lo ngại…

Nhiều người vẫn có thói quen ăn uống đường phố, nhất là ở giới trẻ, học sinh các cấp học phổ thông khi trước các cổng trường thường xuyên có vô số xe hàng rong, với các món đa dạng, từ ăn vặt cho tới ăn bữa chính. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, đồ uống vỉa hè luôn đông khách đắt hàng, bởi sự tiện lợi và giá cả phải chăng. Tuy nhiên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) thì rất đáng để lưu tâm.

Các chuyên gia y tế lo ngại và từng đưa ra các cảnh báo rằng, người tiêu dùng sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đối với ngộ độc cấp tính, tùy theo tác nhân, có thể gây nhiễm trùng ở đường tiêu hóa. Ngộ độc mạn tính thường do các loại hóa chất, phụ gia, chất tạo màu, tạo mùi không phù hợp gây ra, làm ảnh hưởng đến chức năng của gan và thận, gây ra các hậu quả về mặt sức khỏe, thậm chí là ung thư.

Để lựa chọn đồ ăn thức uống đường phố an toàn, các chuyên gia y tế cũng đưa ra lời khuyên đối người tiêu dùng, đó là: nên mua và sử dụng đồ ăn thức uống tại các địa điểm bày bán sạch sẽ, cách xa nơi có rác thải, bùn lầy, cống rãnh; có bàn, giá tủ được đặt cách mặt đất ít nhất 60cm để giảm bớt nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây hại, tránh bụi bẩn từ mặt đất bám vào thực phẩm. Nên chọn những nơi bán mà người chế biến, phục vụ mặc trang phục (quần áo, tạp dề...) sạch sẽ, không nhàu nát, đeo khẩu trang, bao tay khi chế biến, phục vụ.

Cùng với việc siết chặt công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố, mỗi người cần phải trở thành một người tiêu dùng thông thái để chọn lựa các cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Người tiêu dùng cần có kiến thức về ATTP và bảo vệ sức khỏe. Khách hàng cần lên tiếng phản đối việc kinh doanh thực phẩm không an toàn; không mua thực phẩm tại các cơ sở không bảo đảm vệ sinh.

Chính quyền, nhà quản lý cần tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP trong kinh doanh cũng như tiêu dùng. Đồng thời, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý các vụ vi phạm về ATTP, tuyệt đối không để các cơ sở không thực hiện quy định, hoặc không đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP được kinh doanh buôn bán. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực bảo đảm ATTP cả về con người cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị...

THẠCH BÍCH NGỌC