Khổ vì... chó thả rông!

Cập nhật, 15:09, Thứ Ba, 07/05/2024 (GMT+7)

 

Mấy ngày qua, mỗi buổi chiều khu phố nhà tôi không còn vui như trước nữa. Chuyện bắt đầu từ việc đứa cháu ở thành phố về nhà bác hàng xóm chơi bị chó nhà bên cạnh rượt, toan cắn vào chân. Rất may, chiều đó có mặt người chủ ngăn con chó lại. Nếu không hậu họa khó có thể lường.

Sau sự việc, người chủ phân trần: “Con Lu đó giờ rất hiền, có cắn ai đâu. Tôi có chích ngừa cho con Lu đầy đủ. Chắc tại cháu bé lạ nên nó mới như vậy!”… Những người khác chứng kiến sự việc sẵn dịp góp ý không nên thả chó ra đường, nếu thả phải rọ mõm lại, có chích ngừa thì chích, lỡ cắn người có thể không gây bệnh dại nhưng mức độ thương tích không thể lường trước được… Lời qua tiếng lại người góp ý, người không chịu thành ra “chiến tranh lạnh” với nhau.

Rất nhiều hiểm họa tiềm ẩn, hậu quả tai hại đã và đang hiện hữu từ vấn nạn chó thả rông (ảnh). Đây cũng là nỗi ám ảnh của không ít người từ nông thôn đến thành thị. Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng trên cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2024, có 22 người tử vong, gần 70.000 người phải điều trị dự phòng, tăng 11% so cùng kỳ năm 2023.

Tôi cũng đã từng xem một số thông tin trên báo, tại một số quốc gia, nuôi thú cưng đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Như tại Mỹ, việc tiêm ngừa bệnh dại là bắt buộc. Chó, mèo được đeo mã số để chứng nhận đã đăng ký. Chó phải ở trong nhà hoặc nuôi trong hàng rào, không được đi hoang. Ở Nhật Bản, các ngành liên quan tới thú cưng bắt buộc phải cấy vi mạch cho chó, mèo khi bán thú cưng, đồng thời thông tin liên quan tới thú cưng cũng sẽ được cập nhật sau khi bán.

Để mọi người không phải bất an vì chó thả rông, thiết nghĩ, ngoài nhận thức của người nuôi về sự nguy hiểm của hành vi thả rông chó đối với cộng đồng thì việc đưa ra những quy định chặt chẽ, chế tài mạnh mẽ hơn, đồng thời áp dụng triệt để hơn trong đời sống là hết sức cần thiết. Xử lý chó thả rông cần “mạnh tay” và quyết liệt hơn!

Bài, ảnh: MINH KHOA