Không chủ quan với bệnh uốn ván

Cập nhật, 06:45, Thứ Sáu, 21/01/2022 (GMT+7)

Tôi bị đạp đinh rỉ sét, xin bác sĩ cho biết, tôi có nên đi tiêm ngừa uốn ván không? Người bị uốn ván thường có những triệu chứng gì và xử lý như thế nào?

Nguyễn Trần Thanh Phong

(Tân Mỹ - Trà Ôn)

Trả lời:

Uốn ván có thể đến từ những việc rất thông thường mà chúng ta tiếp xúc, thực hiện hàng ngày nên không được chủ quan và cần chủ động tiêm ngừa vắc xin để phòng bệnh.

Những triệu chứng của người bị uốn ván: Bệnh khởi phát trung bình khoảng 6-7 ngày sau khi có vết thương. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có dấu hiệu cứng hàm, khó nuốt, cứng cơ và các cơn co cứng.

Trường hợp nặng, bệnh nhân bị nhiều cơn kịch phát, các phản xạ gân xương tăng, nuốt khó hoặc chướng bụng gây khó khăn khi ăn uống, rối loạn hệ thần kinh thực vật như huyết áp tăng thất thường hoặc thường xuyên, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, sốt cao, vã mồ hôi. Một số biến chứng tim mạch có thể gặp như hạ huyết áp và chậm nhịp tim, đôi khi xuất hiện ngừng tim đột ngột cùng một số biến chứng khác như viêm phổi, viêm cơ, loét...

Cách xử lý khi bị uốn ván: Một trong những sai lầm là khi có trầy xước hay vết thương trong quá trình lao động, nhiều người không nhanh chóng xử lý đúng cách mà chỉ rửa sơ vết thương bằng nước.

Nếu giẫm phải phân gia súc khi cơ thể có những vết xây xát hoặc giẫm phải đinh tán, vật sắt nhọn ở môi trường có vi khuẩn uốn ván sinh sống cần xác định nguồn lây (từ dụng cụ sắt nhọn, miếng cước hay khi té xe…); xử lý vết thương ngay tại chỗ càng sớm càng tốt bằng cách xối rửa vết thương dưới vòi nước từ 3-5 phút, tốt nhất nên rửa sơ qua bằng xà phòng, sau đó lấy dị vật bên trong vết thương, sử dụng dung dịch sát khuẩn và băng ép tạm thời (nếu vết thương chảy máu nhiều); đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn, tiêm vắc xin và huyết thanh phòng ngừa uốn ván phù hợp.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)