Tiêm vắc xin phòng COVID-19: An toàn được đặt lên hàng đầu

Cập nhật, 20:38, Thứ Ba, 08/06/2021 (GMT+7)

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều tỉnh- thành trên cả nước, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế chính là “chìa khóa” đẩy lùi dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Liệt tiêm mũi đầu vắc xin phòng COVID-19 vào sáng 7/6.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Liệt tiêm mũi đầu vắc xin phòng COVID-19 vào sáng 7/6.

Nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe sau khi tiêm vắc xin COVID-19

Theo Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 6/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 3 đợt tại các tỉnh- thành với gần 1.250.000 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là trên 33.600 người.

Dự án tiêm chủng mở rộng các tỉnh- thành đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, sốt, đau họng, chảy nước mũi, ho, chóng mặt, khó thở, đau đầu, đau cơ, đau khớp. Điều đó cho thấy, cơ thể đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vắc xin để phòng bệnh.

Về công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Vĩnh Long, TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long- cho biết, qua đợt 1 và bổ sung đợt 2, tại 11 điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đều diễn ra an toàn, hiệu quả với kết quả sử dụng và tiêm vắc xin của ngành y tế và công an đạt 100%. Người được tiêm vắc xin đều được tư vấn, khám sàng lọc sức khỏe trước tiêm và theo dõi sức khỏe sau tiêm. Trong 9.000 người được tiêm mũi vắc xin đầu tiên phòng COVID-19, có hơn 570 trường hợp bị phản ứng thông thường sau tiêm như đau chỗ tiêm, đau cơ, sốt, chóng mặt, buồn nôn,… và được theo dõi ổn định sức khỏe khoảng vài giờ hoặc 1-2 ngày.

Chị Du Thị Lan (Trạm Y tế Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Trước khi tiêm, đã được hướng dẫn, tư vấn kỹ càng nên không có gì bỡ ngỡ. Tất cả quy trình đo thân nhiệt, sàng lọc trước khi tiêm đều được các nhân viên y tế thực hiện tốt. Các hướng dẫn về một số tác dụng phụ có thể xảy ra cũng nắm chắc nên an tâm. Về nhà có hành sốt nhẹ, nhức đầu, ớn lạnh, uể oải hơn 1 ngày là hết”.

Theo bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc- Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, khi đi tiêm chủng, người được tiêm cần cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình sức khỏe, đặc biệt đối với người có bệnh lý nền (tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, tiền sử tiêm chủng, thuốc đang sử dụng, tình hình sức khỏe hiện tại...) cho cán bộ y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng có chỉ định tiêm chủng phù hợp và tư vấn theo dõi sau tiêm chủng cụ thể. Người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để được theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.

Mặc dù các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt, nhưng hầu hết sẽ tự hết sau vài ngày. Do đó, mọi người hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ nhàng từ 1-2 ngày sau tiêm.

“Chúng tôi khuyến cáo không nên sử dụng thuốc giảm đau trước khi tiêm chủng với mục đích ngăn ngừa các triệu chứng sau tiêm. Vì vậy sau khi tiêm, mọi người hãy đợi cho đến khi gặp các tác dụng phụ rồi mới dùng theo chỉ định cụ thể từng trường hợp của bác sĩ”.

Một tác dụng phụ khác có thể kéo dài hơn vài ngày là sưng hạch bạch huyết, dấu hiệu nhận biết là người tiêm có thể có cảm giác như một cục u dưới nách hoặc trên xương đòn. Các chuyên gia y tế chia sẻ sưng tấy không có hại nhưng nó có thể kéo dài vài tuần và cuối cùng sẽ tự biến mất.

Vĩnh Long đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19

Từ 7/6/2021, Vĩnh Long bắt đầu đợt 3 tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 11 điểm tiêm đặt tại BVĐK tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế và Bệnh xá Công an tỉnh. Mục tiêu 100% đối tượng tiêm mũi 1 sẽ được tiêm mũi 2 và những người thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ sẽ được tiêm mũi 1 với số đối tượng tiêm đợt 3 là hơn 32.350 người.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý, ngành y tế tuyệt đối không để vắc xin hết hạn hoặc không sử dụng phải tiêu hủy trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và nguồn vắc xin còn hạn chế; cần lập danh sách cụ thể rõ ràng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của
Chính phủ.

Ngoài ra, đảm bảo quy trình bảo quản vận chuyển vắc xin an toàn; rà soát lại 11 điểm tiêm bố trí đủ cơ sở vật chất, nhân lực thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trong quá trình tổ chức tiêm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19

Đúng như kế hoạch, tại điểm tiêm chủng BVĐK tỉnh, hơn 70 người đã được tiêm vắc xin COVID-19 trong sáng 7/6. Lúc đầu khi đọc một số thông tin về những tác dụng phụ của vắc xin, nên có chút lo lắng nhưng trước khi tiêm vắc xin, chị Lê Thị Huỳnh (Văn phòng Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh) và mọi người đều được các cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cẩn thận. Chị cũng chuẩn bị cho mình một tinh thần thoải mái. Sau khi được tiêm, nhân viên y tế theo dõi chị tại phòng 30 phút rồi sau đó chị trở về cơ quan làm việc bình thường. Chị Huỳnh cũng được dặn dò nếu có bất cứ hiện tượng nào bất thường thì lập tức báo ngay cho y tế để được hỗ trợ. Chị Lê Thị Huỳnh cho biết: “Tiêm vắc xin sẽ là một lá chắn hiệu quả để ngăn ngừa được dịch bệnh và tôi cảm thấy mình như được bảo vệ. Tôi không chủ quan mà vẫn tuân thủ nguyên tắc “5K” để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân và mọi người. Mong sao thời gian tới, nhiều người được tiêm vắc xin”.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, khi tiêm vắc xin, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, đau sưng tại chỗ tiêm,… các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày. Để giảm bớt tình trạng này thì ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh.

Không vắc xin AstraZeneca nào đạt hiệu quả 100%. Chính vì vậy, thông điệp của Chính phủ trong thời gian gần đây vẫn là phải thực hiện khuyến cáo “5K” và vắc xin mới có thể chiến thắng dịch bệnh. Sự đồng lòng của người dân là vô cùng cần thiết, song hành với những biện pháp của Chính phủ nhằm triển khai nhanh nhất có thể việc tiêm chủng trên diện rộng.

Về phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra, BCĐ an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 yêu cầu mỗi bàn tiêm chủng trước khi tiêm vắc xin và tại khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm chủng phải chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch adrenalin 1mg/1ml. Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ (khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng, tiêu chảy...), nhân viên y tế tiêm bắp ngay 1/2mg adrenalin, sau đó theo dõi và xử trí theo hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ. Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch adrenalin 1mg/1ml.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN