Bệnh động kinh- những điều cần biết

Cập nhật, 16:07, Thứ Sáu, 27/04/2018 (GMT+7)

Bệnh động kinh là bệnh liên quan đến não bộ, khiến bệnh nhân dễ tái phát những cơn co giật không rõ nguyên nhân. 

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Hùng Dũng- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ), trẻ nhỏ mắc bệnh động kinh nếu không được chữa trị sớm, trí tuệ sẽ dừng phát triển, trở nên ngây dại và thường xuyên lên cơn co giật.

Theo các bác sĩ, trẻ em bệnh động kinh nếu điều trị sớm, đúng phát đồ thì sẽ có cơ hội hồi phục rất cao.
Theo các bác sĩ, trẻ em bệnh động kinh nếu điều trị sớm, đúng phát đồ thì sẽ có cơ hội hồi phục rất cao.

Con động kinh- cha mẹ hoang mang

Nằm ngoài hành lang Khoa Nhiễm- Thần kinh, bé Lê Yến Nh. (3 tuổi, huyện Ô Môn- TP Cần Thơ) say sưa xem “bé Xuân Mai” hát trên điện thoại của mẹ.

Chị Lê Thúy Oanh vừa cột tóc lại cho con vừa thở dài: “Nằm trong phòng con không chịu, khóc la nên ra đây nằm. Vô đây cả tuần rồi, mai bác sĩ cho về. Bữa con bú sữa ói, ói hoài nên chị đưa lại bệnh viện huyện khám.

Bác sĩ siêu âm nói bé bị về tiêu hóa, cho thuốc về uống. Uống rồi mà con vẫn ói rồi bị giật. Sợ quá chị ẵm con lên Bệnh viện Nhi đồng luôn. Ngày đầu, trong 2 tiếng mà con bị giật 3- 4 lần, nằm có 2 ngày mà giật cả 10 lần, dù không sốt”.

Ôm bé vào lòng, chị Oanh lo lắng: “Bác sĩ xét nghiệm, khám nói thần kinh con yếu, con bịnh động kinh, phải điều trị trong thời gian dài. Thiệt sợ lắm, sanh ra con khỏe mạnh bình thường, giờ bị bịnh liên quan thần kinh, cả nhà lo lắng vô cùng”.

Hiện nay, khoảng 20% trẻ em bị động kinh sẽ có khuyết tật về trí tuệ, các cơn động kinh diễn ra càng nhiều thì mức độ ảnh hưởng càng cao.

Nếu trẻ động kinh lâu sẽ thường gặp phải các rối loạn về tâm thần như rối loạn tăng động, tự kỷ, trầm cảm, lo âu,… Đây chính là nguyên nhân gây cản trở học tập và hòa nhập với người thân, bạn bè và những người xung quanh.

Nếu trẻ mắc động kinh thời gian dài mà không được điều trị phù hợp dễ dẫn đến chậm phát triển, để lại các di chứng ở não như bại não, khiến bé sống đời sống thực vật hoặc có thể sẽ đột tử.

Chị Nguyễn Thị Lụa (quê Bạc Liêu) cũng đang lo lắng cho con gái 9 tháng tuổi. Chị cho hay từ khi con được 4 tháng, bé bắt đầu có những cơn co giật, mắt trợn trắng vài chục giây rồi dừng.

Lúc đó, bé có sốt, đi khám cứ nghĩ con sốt co giật thôi, ai dè giật ngày càng nhiều, lên đây mới biết con bị động kinh. Sau khi giật thì con bơ phờ, mệt mỏi.

Bé Phạm Nguyễn Bá D. (7 tuổi) cũng bệnh động kinh phải nằm viện uống thuốc điều trị. Mẹ bé- chị Hà- cho biết: “Con tôi phải nằm viện 3 đợt để trị bệnh động kinh.

Lần đầu, con đang ngồi tô màu, tự nhiên gục đầu, nước miếng chảy ra và giật. Lần 2, con đi học ngồi trong lớp bị giật.

Đang chơi bình thường thấy êm êm, quay ra thấy con nằm bất động, mắt trợn ngược, môi bặm và da tím tái. Bác sĩ nói con bị động kinh toàn thể và cần chữa đúng phác đồ để tránh trí tuệ chậm phát triển”.

Rồi chị rơm rớm nước mắt: “Lần đầu biết con bị động kinh, được kê thuốc dặn dò uống đứng cữ, tái khám đúng hẹn nhưng cũng do chủ quan, hay lơ là quên cho con uống thuốc. Có lần thấy cả tuần con hổng còn giật nên tui cho con ngưng thuốc, sợ uống thuốc chống động kinh ảnh hưởng con, ai ngờ con bị giật lại”.

Bệnh động kinh-những điều cần biết

Theo bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, hơn 50% trẻ bị động kinh không rõ nguyên do. Số còn lại liên quan đến di truyền mang tính gia đình qua yếu tố gien hoặc do bệnh lý ở bộ não như chấn thương não, viêm màng não, viêm não, u não, sau phẫu thuật ở vùng não, đột quỵ (tai biến mạch máu não)… 

Ngoài ra, trẻ em bị động kinh do bị sang chấn vùng đầu sau sinh, hoặc sinh ra bị ngạt, xuất huyết não, viêm não.

Những em bé mắc các bệnh và có tật này chính là những bé dễ bị tăng động hơn rất nhiều những em bé thông thường. Bên cạnh đó, số lượng trẻ mắc động kinh chưa thể giải quyết triệt để, một số trẻ do điều trị không đúng cách, dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ dẫn đến kháng thuốc.

Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng khuyến cáo, cha mẹ nên chú ý khi thấy con mình bất ngờ co cứng, co giật toàn thân, trẻ đột ngột ngã xuống đất trong vòng từ 30 giây đến 3 phút có thể kèm theo mắt trợn ngược, sùi bọt mép… mà trước đó trẻ không sốt, không đau ốm gì, thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế và miêu tả chính xác hành động của con cho bác sĩ.

Đồng thời kết hợp với xét nghiệm điện não đồ thường hoặc điện não đồ video, làm một số xét nghiệm thăm dò hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI)… để tìm nguyên nhân.

Hiện trẻ em bị bệnh động kinh đáng báo động, song điều đáng mừng là khoảng 70- 80% trẻ mắc bệnh này sẽ khỏi bệnh, có cuộc sống bình thường.

Do đó, phụ huynh không nên bi quan, bỏ qua cơ hội điều trị bệnh. Nếu con được phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng cách, tuân thủ lịch tái khám, uống thuốc đều (không tự ý ngưng thuốc, không tự ý tăng giảm liều), trò chuyện với con thường xuyên thì có thể giải quyết dứt điểm bệnh trong vòng 2 năm.

Cha mẹ cần có thái độ bình tĩnh khi gặp trẻ lên cơn co giật.

- Mang trẻ đặt nơi an toàn, trên giường bằng phẳng.

- Cho trẻ nằm nghiêng sang một bên để hạn chế hít sặc chất tiết được tạo ra trong cơn co giật.

- Nới rộng quần áo, khăn quấn của trẻ.

- Không nhét bất kỳ vật gì vào miệng trẻ trong lúc trẻ đang co giật ví dụ như là không nặn chanh, nhét tay vào miệng trẻ, không cho trẻ vào thau nước để hạ nhiệt trong khi trẻ vẫn còn đang trong cơn co giật để tránh gây thêm hít sặc cho trẻ làm nặng nề thêm tình trạng thiếu oxy não trong cơn co giật.

- Khi hết cơn co giật, cặp nhiệt độ cho trẻ. Nếu bé sốt nên cho uống thuốc hạ sốt và lau mát, sau đó đưa ngay đến bệnh viện. 

Đa phần các cơn co giật thường ngắn không quá 5 phút, cha mẹ nên để bé qua cơn co giật. Nếu cơn co giật đã xảy ra 5- 10 phút trở lên không có dấu hiệu giảm thì không chờ đợi nữa và đưa bé đến ngay cơ sở y tế có phương tiện cấp cứu gần nhà nhất bằng các phương tiện lưu thông an toàn (ví dụ như taxi).

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN