THẤY GÌ QUA SỐ VỤ TỰ TỬ TĂNG CAO BẤT THƯỜNG?

"Dẫu quẫn bách, cũng đừng làm phương hại mình"

Cập nhật, 11:51, Thứ Sáu, 13/05/2016 (GMT+7)

Trong chưa đầy tuần lễ, ghi nhận sơ bộ đã có trên dưới 10 trường hợp tự tử đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu, điều trị. Theo nhìn nhận ban đầu, có nhiều nguyên nhândẫn đến việc uống thuốc bảo vệ thực vật hay tân dược tự tử: buồn chán, túng quẫn, làm ăn thua lỗ, mâu thuẫn trong tình cảm và gia đình,...

Câu hỏi đặt ra là tại sao một số người dễ tìm đến cái chết hoặc làm nguy hiểm đến tính mạng mình? Trong khi đó dù ở hoàn cảnh nào, cũng có thể chia sẻ với mọi người để được hỗ trợ, giải quyết theo chiều hướng tốt hơn!

T.H. điều trị ở bệnh viện tỉnh ngày thứ 3 sau xảy ra tình huống nguy kịch.
T.H. điều trị ở bệnh viện tỉnh ngày thứ 3 sau xảy ra tình huống nguy kịch.

Giận mẹ, uống thuốc trừ sâu cực độc!

T.H. (20 tuổi, ngụ xã Chánh Hội- Mang Thít) là một trong số các trường hợp tự tử trên.

Một ngày đầu tháng 5 này, mẹ T.H. đi làm ruộng về và hỏi T.H. “sao con không nấu cơm cho mẹ?” Mẹ T.H. tiếp tục hỏi lại câu này để nhắc con cái việc nhà vào chiều cùng ngày...

Đến sáng hôm sau, T.H. vẫn đi chơi quanh xóm rồi về nhà, nhưng một lúc sau người nhà phát hiện T.H. nằm sõng soài trên nền gạch, do uống thuốc trừ sâu.

Bệnh nhân T.H. vào bệnh viện với tình trạng nguy kịch: hôn mê, thở xấu, 2 đồng tử giãn, 2 bên co nhỏ, rung cơ ngực, cơ đùi (dấu hiệu của ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, thuốc tây). Tuy nhiên huyết áp, mạch vẫn còn khá. Bác sĩ cho đặt nội khí quản, truyền dịch, rửa dạ dày tẩy chất độc.

Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho hay loại thuốc trừ sâu T.H. uống là cực độc. Nếu uống nhiều hoặc người thân không phát hiện sớm đưa đi bệnh viện, thì khả năng tử vong lên đến 80- 90%.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, T.H. đã phản xạ lại lời gọi, tuy vậy vẫn còn phải thở máy và điều trị chống độc. Theo bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc, tiên lượng bệnh nhân này rất nặng.

Hiện tại bệnh nhân đáp ứng thuốc khá tốt, nhưng ít nhất phải nằm “ôm” máy thở, truyền dịch tẩy độc hàng ngày khoảng 10 ngày nữa mới “có thể nói được”.

Ghi nhận sơ bộ của Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, trong khoảng chỉ từ ngày 7- 10/5, đã xử trí cho trên dưới 10 trường hợp tự tử, sau khi cấp cứu chuyển sang đây. May là đến nay hầu hết bệnh nhân đều đã xuất viện hoặc chuyển sang khoa khác để theo dõi, chờ bình phục.

“Gần đây, số lượng bệnh nhân tự tử tăng so những tháng trước”- một bác sĩ chuyên khoa đã nói trên cho biết. Nguyên nhân tự tử có thể kể gồm: nghèo khó túng quẫn, làm ăn thua lỗ, thiếu suy nghĩ, buồn tình cảm, buồn gia đình, gặp khó khăn trong cuộc sống,... Tuổi đối tượng tự tử thường trẻ, giới tính thì tương đương nhau.

Có nhiều cách dẫn đến tự tử, thông thường là uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, tân dược,... Trong số đó, nguy cơ tử vong rất cao khi nạn nhân uống nhóm thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ). Với thuốc tân dược (thuốc ngủ, thuốc điều trị các rối loạn) thì khả năng cứu sống tương đối hơn.

Cư xử, sẻ chia, tránh quẫn bách làm hại bản thân mình

Chị Trịnh Thị Lan (40 tuổi, là mẹ cô gái T.H.) kể là nhà chị làm hơn chục công ruộng, chủ yếu là mướn đất của họ hàng. Do mùa này chị không mướn đất canh tác nữa, nên... thuốc trừ sâu ấy dư ra.

“Phải chi có làm ruộng bình thường như mọi khi, thuốc sâu xài hết thì... có lẽ đâu đến nỗi này”- chị giải thích cho sự xui rủi của con mình. Tuy nhiên, sâu xa hơn chị vẫn nhìn nhận ở đây chính là hậu quả của “vấn đề cư xử hàng ngày trong gia đình, tưởng bình thường nhưng cuối cùng lại nghiêm trọng”.

“Phía đội ngũ điều trị vẫn luôn thông cảm cho những người quẫn bách, thiếu suy nghĩ và tự tử”- bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc chia sẻ. Bác sĩ này nói có người từng tự tử đến 3 lần và cả 3 lần đều được cứu sống.

Nhưng quả thật, may mắn lắm mới được vậy, do họ uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ dung lượng ít, hoặc người thân đã phát hiện kịp thời và chuyển lên bệnh viện cấp cứu.

“Sau cơn nguy kịch, sau khi được cứu sống, nhiều người trong những người tự tử hiểu ra được vấn đề, có thể nói lại nguyên nhân và suy nghĩ mình theo chiều hướng tốt hơn để không làm ảnh hưởng đến tính mạng nữa”- một bác sĩ nhiều năm cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân chia sẻ như vậy.

Nói như rút kinh nghiệm, chị Lan- mẹ cháu T.H.- sụt sùi “sau này sẽ cư xử với con cái kỹ càng, nhẹ nhàng hơn, tránh gây tác động để dẫn đến xung đột với con cái!”

Các bác sĩ nói việc tuyên truyền, giáo dục nhân cách cho giới trẻ là cực kỳ quan trọng để hình thành lối sống tích cực, tránh lối suy nghĩ lệch lạc, thiếu chín chắn,... để giúp tránh những áp lực cuộc sống, tránh những vụ tự tử, tự gây nguy kịch cho tính mạng của mình.

Có vấn đề gì, diễn biến tâm lý có phức tạp thế nào để đến quẫn bách, khó xử thì người đó nên chia sẻ, đối thoại tìm sự hỗ trợ, đồng cảm với người thân, bạn bè,...

Và, đó cũng là cách để hạn chế xảy ra tình huống xấu. Bất cứ bất ổn nào cũng có thể chia sẻ với bạn bè, người thân. Hãy tránh quẫn bách, tránh tìm đến tình huống gây hại chính mình.

Hãy sẻ chia, tránh tìm đến tình huống gây hại chính bản thân mình

Trước việc “bỗng dưng” có nhiều trường hợp tự tử trong ít ngày gần đây, các bác sĩ cho rằng việc tuyên truyền, giáo dục nhân cách cho giới trẻ là cực kỳ quan trọng. Từ đó hình thành lối sống tích cực, tránh lối suy nghĩ lệch lạc, thiếu chín chắn,... để tránh những áp lực cuộc sống, tránh tự tử hoặc tự gây nguy kịch cho tính mạng mình. Có vấn đề gì, diễn biến tâm lý có phức tạp thế nào để đến quẫn bách, khó xử thì người đó nên chia sẻ, đối thoại tìm sự hỗ trợ, đồng cảm với người thân, bạn bè,... nhằm hạn chế xảy ra tình huống xấu như đã kể trên.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI