Nhóm ngành kinh tế có còn "hot"?

Cập nhật, 13:04, Thứ Tư, 13/05/2020 (GMT+7)

Ngành kinh tế luôn là một trong những lựa chọn được thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực thay đổi và không ít người lo lắng ngành kinh tế sẽ mất độ “hot” của nó. Thực tế, nhân lực kinh tế là không thể thiếu cho sự phát triển của xã hội vấn đề ở chỗ người học có đáp ứng được nhu cầu để “làm kinh tế” hay không.

Học sinh cần hỏi thêm thông tin nếu chưa hiểu về ngành nghề mình định chọn.
Học sinh cần hỏi thêm thông tin nếu chưa hiểu về ngành nghề mình định chọn.

Chưa bao giờ hết nóng

Kinh tế là lĩnh vực vô cùng quan trọng, gắn liền với đời sống xã hội, do đó, chừng nào thị trường và khách hàng còn đặt ra nhu cầu, chừng đó các hoạt động kinh tế vẫn còn và cần tới nguồn nhân lực.

Đó là nguyên nhân mà hầu hết các trường đều có đào tạo nhóm ngành kinh tế. Tại Vĩnh Long, 3 trường ĐH đều có đào tạo những ngành nghề thuộc nhóm ngành kinh tế và mới đây Phân hiệu của ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long đã chính thức tuyển sinh 6 ngành đào tạo tại phân hiệu này.

Cơ hội học ngành kinh tế ở các trường đang rộng mở, vấn đề là học sinh có thể học tốt và rèn luyện tốt các kỹ năng khi chọn ngành này hay không.

Nhóm ngành kinh tế của Trường ĐH Cửu Long có 6 ngành, trong đó ngành Luật Kinh tế được nhiều học sinh quan tâm.

TS. Nguyễn Văn Hiến- Trưởng Khoa Luật Kinh tế (ĐH Cửu Long) cho biết: Ngành luật kinh tế được nhà trường quan tâm và chú trọng xây dựng, sau 5 năm tuyển sinh những sinh viên khóa đầu tiên ra trường đã khẳng định được chất lượng, đa số có việc làm.

Điểm nhấn của ngành là chú trọng chương trình đào tạo phù hợp, giảng viên cơ hữu thỉnh giảng chất lượng, luôn đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Sinh viên được tham gia các buổi học ngoại khóa, hóa thân vào các nhân vật và nắm bắt kiến thức về tố tụng nói chung, thực tế, thực tập tốt nghiệp gắn với thực tế doanh nghiệp.

Luật kinh tế là sự kết hợp giữa ngành luật học và kiến thức thực tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lý kinh tế của Nhà nước và trong quá trình sản xuất giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.

Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cũng có đào tạo ngành kế toán, cô Trịnh Thị Thanh Hương- Trưởng Khoa Kinh tế trường này cho biết: “Có nhiều phụ huynh hỏi sao trường xây dựng lại có ngành kế toán? Ngành này đã có đào tạo tại trường hơn 30 năm nay.

Như những ngành nghề khác, các công ty doanh nghiệp xây dựng đều cần kế toán. Với nhiệm vụ ghi chép tình hình tài chính của doanh nghiệp, nộp thuế,… căn cứ thông tin kế toán cung cấp”.

Chọn ngành kinh tế cần phẩm chất gì?

Khi tìm được ngành, hãy so sánh để chọn trường phù hợp.
Khi tìm được ngành, hãy so sánh để chọn trường phù hợp.

Tố chất đầu tiên cần có của một sinh viên nhóm ngành kinh tế đó chính là tính năng động và sự ham thích các hoạt động quản lý, mua bán. Bên cạnh đó, người làm kinh tế cần có tầm nhìn, nhạy bén với những điểm mới, chấp nhận mạo hiểm trong kinh doanh.

Nhiều sinh viên ngành kinh tế ra trường không tìm được việc làm phù hợp vì bản thân đòi hỏi quá cao về việc làm.

ThS. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- chia sẻ: “Có sinh viên mới ra trường mà không muốn làm nhân viên, cứ nghĩ mình học quản trị thì phải ra quản lý liền thôi. Không doanh nghiệp nào đi tuyển 1 người mới ra trường cho công việc quản lý”.

Thực tế, nhiều sinh viên ngành kinh tế không chịu hoặc không có khả năng làm nhân viên bán hàng, marketing vì cho rằng công việc này không xứng với tấm bằng ĐH.

ThS. Nguyễn Hoàng Thanh Trúc- Phụ trách Khoa Kế toán- Tài chính Ngân hàng (ĐH Cửu Long) cho rằng: Kế toán là bộ phận không thể thiếu trong doanh nghiệp, một doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có bộ phận này.

Ngành Tài chính ngân hàng hiện nay có nhu cầu nhân lực khá cao, chế độ tốt cho các bạn có năng lực. “Tỷ lệ sinh viên khối ngành này ra trường có việc làm ở Trường ĐH Cửu Long hiện nay là 95%”- cô Trúc thông tin thêm.

Dù thị trường lao động có suy thoái, thì xã hội vẫn không bao giờ sa thải những lao động có đủ năng lực và phẩm chất.

Một sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế nếu đủ năng lực có thể làm việc ở bất kỳ đâu cũng không bị đào thải bởi thị trường lao động, ngay trên ghế nhà trường sinh viên cần xác định mục tiêu cụ thể để chuẩn bị đủ hành trang cần thiết mà xã hội yêu cầu.

Năm 2020, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng tuyển sinh 3 ngành nhóm kinh tế là: kinh tế, kế toán và quản trị kinh doanh với tổng chỉ tiêu là 150. Chương trình đào tạo cử nhân khối ngành kinh tế của các trường hiện nay gói gọn trong 3 năm rưỡi với 120 tín chỉ.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN