Học ngành gì để đón cuộc cách mạng 4.0?

Cập nhật, 05:38, Thứ Tư, 04/04/2018 (GMT+7)

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển ở Việt Nam, đặt ra những vấn đề về ngành nghề phù hợp, lao động cần chuẩn bị kỹ năng gì? Hội nhập và phát triển công nghệ số sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nguồn nhân lực có nhiều kỹ năng khác ngoài vững trình độ chuyên môn.

Chọn trường ĐH “mở” để không chỉ được đào tạo trình độ chuyên môn, sinh viên còn có kỹ năng hội nhập quốc tế.
Chọn trường ĐH “mở” để không chỉ được đào tạo trình độ chuyên môn, sinh viên còn có kỹ năng hội nhập quốc tế.

Dự báo nhu cầu nhân lực

Cách mạng công nghiệp 4.0 là một quá trình chuyển đổi nền công nghiệp chuyển sang quá trình tiếp cận dựa trên nền tảng số hóa, nền tảng Internet vạn vật, và trí tuệ con người.

Và khi thay đổi nền tảng công nghiệp đòi hỏi phải có sự thay đổi trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo bậc đại học.

Theo các chuyên gia tư vấn, dự báo nhân lực: Ngành công nghệ thông tin tăng trưởng lớn nhất. Kèm theo đó, ngành cơ khí kết hợp công nghệ thông tin phát triển mạnh ở cơ khí robot, điện tử, công nghệ sinh học, nano…

Trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Về công nghiệp tập trung vào các ngành chủ yếu: cơ khí- luyện kim; điện tử; hóa chất; công nghệ thông tin; dệt may; chế biến nông- lâm- thủy sản; thực phẩm, đồ uống,…

Tất cả các ngành nghề đều cần nhân lực và để đáp ứng cho nền công nghiệp 4.0 thì không chỉ có khối ngành công nghệ- kỹ thuật, khối ngành kinh tế và dịch vụ cũng hút nhân lực.

TS. Trần Thế Hoàng- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh- cho rằng: Muốn thành công trong thời buổi hội nhập, cho nền công nghiệp 4.0 người lao động cần bổ sung những kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, trách nhiệm và tác phong công nghiệp, đạo đức nghề nghiệp.

Tìm trường ĐH thông minh

Xây dựng trường ĐH thông minh là mục tiêu hướng đến của tất cả các trường ĐH. Nói như PGS.TS. Cao Hùng Phi thì: Nó cung cấp môi trường học tập và làm việc thông minh, đồng thời, đem lại nhiều lợi ích cho nhà trường, giảng viên và người học.

Đến nay, nghề cắt gọt kim loại và công nghệ ô tô của trường này đã đạt chuẩn quốc tế; nghề điện công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ thông tin đạt chuẩn khu vực ASEAN và 5 nghề quản trị cơ sở dữ liệu, lắp đặt thiết bị cơ khí, sửa chữa máy tàu thủy, cơ điện nông thôn, điện tử công nghiệp đạt chuẩn quốc gia.

Là trường ĐH nằm trong top các trường hàng đầu Việt Nam, Trường ĐH Cần Thơ luôn khẳng định chất lượng đào tạo thông qua các chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình chất lượng cao.

Trong đó, có 2 ngành được đào tạo theo chương trình tiên tiến là ngành công nghệ sinh học và nuôi trồng thủy sản; 3 ngành đào tạo theo chương trình chất lượng cao là công nghệ kỹ thuật hóa học, kinh doanh quốc tế và công nghệ thông tin.

Tư vấn thí sinh chọn trường trong ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp ở Cần Thơ vừa qua, TS. Đặng Thị Ngọc Lan- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Marketing- chia sẻ: “Khi chọn trường, các em có thể nghiên cứu về hoạt động liên kết doanh nghiệp trường đó có mạnh hay không, môi trường học tập và cơ sở vật chất có đáp ứng với nhu cầu xã hội,…”.

Bà Đặng Thị Ngọc Lan khẳng định: Thước đo chất lượng của một trường tùy thuộc vào chất lượng sinh viên ra trường: có khả năng khởi nghiệp, tìm việc ngay không? Thêm vào đó, sinh viên cần tự học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tập trung mọi nguồn lực để xây dựng “Kho tài liệu dạy- học số” triển khai Mobile learning, xây dựng phần mềm quản lý, thực hiện đề tài tốt nghiệp ĐH và sau ĐH.

Bên cạnh, xây dựng các đề án thành lập một số đơn vị mới: Trung tâm xuất sắc về công nghệ giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác sinh viên và dịch vụ sinh viên.

Nhìn chung, để đáp ứng cho nền công nghiệp 4.0 tất cả các ngành nghề sẽ phát triển theo hướng chú trọng chuyên sâu và khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

Nhân lực cần được đào tạo bài bản, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, vốn ngoại ngữ và khả năng công nghệ thông tin vững vàng.

Do đó, học sinh không chỉ chọn ngành, chọn trường mà các em cần tự “đo ni đóng giày” để chọn cho mình ngành nghề thích hợp.

Sau đó, là nỗ lực học tập rèn luyện để thích ứng. Và dù ở bất cứ ngành nghề nào cũng luôn phải học tập để tiếp cận những đổi mới, hội nhập và phát triển.

Bảng xếp hạng các trường ĐH của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) cho khu vực Châu Á mới nhất năm 2018 vừa được công bố và Việt Nam vẫn có 5 trường nằm trong bảng xếp hạng này. Đó là các trường lần lượt theo thứ tự: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ và ĐH Huế.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN