Thi THPT quốc gia 2017- mừng và lo

Cập nhật, 14:58, Thứ Tư, 14/09/2016 (GMT+7)

 

Mong rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ thành công hơn các năm trước.
Mong rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ thành công hơn các năm trước.

Ngay sau khi Bộ GD- ĐT công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Bộ GD- ĐT sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh chính quy với một số điều chỉnh. Trong đó, việc thay đổi về bài thi, đề thi khiến nhiều học sinh lớp 12 không khỏi bàng hoàng.

Chống học thêm, học tủ

Dự thảo đưa ra 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT thi 4 bài thi là 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội.

Thí sinh GDTX thi 3 bài thi là 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý).

Thí sinh GDTX không thi môn Giáo dục công dân vì trong chương trình học không có môn này. Ngoài ra, thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng. Tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm, ngoại trừ môn Ngữ văn.

Nói về phương án thi mới, thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long cho rằng: “Tôi thống nhất vì gọn nhẹ và chống việc dạy thêm, học thêm”. Theo thầy, những kỳ thi trước đây, học sinh muốn kiếm điểm cao thường học thêm để giải các phần khó, kiếm điểm cao, học tủ,…

“Nếu thí sinh chọn xét tuyển ĐH khối A (Toán, Lý, Hóa) thì các em có quyền chú trọng hơn môn Lý và Hóa trong bài thi Khoa học tự nhiên”- thầy Đặng Hoàng Dũng giải thích thêm.

Đang trực từng ngày để xem những thông tin mới về tuyển sinh, thầy Nguyễn Minh Thiện- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) chia sẻ: “So với những năm trước, phương án này không đột ngột bằng”.

Trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần vừa qua, thầy đã trấn an tâm lý giáo viên và học sinh tự tin trong kỳ thi này. Thầy nhấn mạnh: “Các em học thực, có năng lực thật sự thì không sợ gì hết. Học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản, cái cốt của vấn đề thì mới làm được bài”.

Thầy cũng cho rằng, nếu ra đề trắc nghiệm theo tổ hợp môn thì sẽ tránh được chuyện học tủ.

Có thể nói những thay đổi về bài thi, nhất là phần thi môn Khoa học xã hội với hình thức trắc nghiệm đã làm nhiều học sinh vui vẻ hơn. Tuy nhiên, mọi người vẫn còn chờ đề tham khảo của Bộ GD- ĐT sẽ được công bố vào cuối tháng 9 này.

Vẫn lắm băn khoăn

Lo lắng nhất trong kỳ thi chính là học sinh sẽ dự kỳ thi THPT quốc gia 2017. Bởi lẽ, các em đã chuẩn bị sẵn tâm lý, chọn môn thi theo hình thức như năm trước. Hơn thế nữa, môn Giáo dục công dân là môn học từ lâu các em không chú trọng.

Học sinh Võ Thị Yến Nhi- lớp 12 Trường THPT Vĩnh Long cho biết: “Em định thi khối A1 xét tuyển ngành công nghệ may nhưng bây giờ thì…”.

Yến Nhi và các bạn trong lớp đã được giáo viên chủ nhiệm phổ biến dự thảo và hiểu được phần nào nhưng lo thì vẫn cứ lo. Nhi giải thích “3 môn Toán, Lý, Anh văn là em học tốt nhất, giờ Lý nằm trong tổ hợp tự nhiên, nếu em làm không tốt 2 môn Sinh và Hóa em có bị kéo điểm xuống không?”

Bạn cùng trường với Yến Nhi là Nguyễn Minh Hiếu có dự định xét tuyển ĐH khối C ngành quan hệ công chúng.

Hiếu nói: “Thay vì chỉ học bài Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý thì giờ em phải học thêm môn Giáo dục công dân nữa”. Tuy nhiên, Hiếu cũng mừng vì môn ngán nhất là Lịch sử nếu thi trắc nghiệm thì… nhẹ nhàng hơn.

Đối với học sinh GDTX trong chương trình không có môn Giáo dục công dân thì không thi môn này trong bài thi Khoa học xã hội thì đề sẽ có bao nhiêu câu, điểm thế nào, xét tuyển ra sao?”

Ở góc độ trường ĐH, TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Chúng tôi đang đợi Bộ GD- ĐT chốt tất cả các phương án cũng như có hướng dẫn rõ ràng về tổ hợp, phiếu điểm,… để xây dựng phương án tuyển sinh”.

Về phía trường phổ thông, ngoài tập trung ôn tập kiến thức đồng bộ, ổn định tâm lý học sinh thì các trường còn có những cách của riêng mình.

Thầy Nguyễn Minh Thiện cho biết định hướng của trường thời gian tới: “Chúng tôi tập trung ôn cho học sinh vững kiến thức cơ bản trước. Riêng đề thi chú trọng tham khảo cơ sở ngân hàng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội”.

Dù có những điểm mới như thế nào thì học sinh và giáo viên nói riêng và cả xã hội nói chung vẫn mong một kỳ thi không quá nặng nề. Đề thi đánh giá được năng lực học sinh và tránh sự rối rắm trong tất cả các khâu.

Một số điểm trong dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017

- Mỗi tỉnh- thành trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GD- ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương.

- Các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội: 90 phút mỗi bài; bài thi Ngữ văn: 120 phút; bài thi Ngoại ngữ: 60 phút.

- Đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT.

- Tổ chức thi 2 ngày trong tháng 6, thống nhất trong cả nước. Cụ thể: ngày thứ nhất sáng thi Ngữ văn, chiều thi Khoa học tự nhiên; ngày thứ 2, sáng thi Toán và Ngoại ngữ, chiều thi Khoa học xã hội.

™Bài, ảnh: CAO HUYỀN