Sổ tay giáo dục

Mỗi năm mỗi kiểu

Cập nhật, 09:46, Thứ Tư, 07/09/2016 (GMT+7)

Ngay khi kỳ thi THPT quốc gia 2016 được quyết định về các phương án thi,… thì nhiều người đã ngay ngáy lo chuyện thay đổi trong năm 2017.

Câu chuyện “mỗi năm mỗi kiểu” của ngành giáo dục đã thành chuyện thường tình mà hầu như ai cũng có thể đoán được. Vấn đề ở chỗ, không ai biết Bộ GD- ĐT sẽ thay đổi như thế nào và làm thế nào để bắt kịp những thay đổi đó!

Trong cuộc họp báo vào chiều 4/9/2016, Bộ trưởng có nói “Phương án thi cử năm nay không phải là phương án đổi mới” mà chỉ là tiếp tục hoàn thiện từ phương án năm 2016 (Báo Dân trí).

Hoàn thiện phương án 2016 có thể là thay thế tổ chức thi theo từng môn như trước đây bằng 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Nghĩa là học sinh phải thi đủ 5 bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT; hoặc thí sinh chỉ thi 4 bài, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và lựa chọn thêm 1 bài thi hoặc Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Nếu học sinh “phải thi đủ 5 bài thi” thì thực chất là phải thi 9 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Nếu học sinh “chỉ thi 4 bài” thì thực chất cũng phải thi 6 môn học, gồm 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Áp lực của việc học và ôn thi sẽ còn nhiều hơn những năm trước đây và các lò luyện thi, dạy thêm càng ăn nên làm ra.

Việc đổi mới này cũng không tránh khỏi việc học tủ, vì khi đã có sự chọn lựa tự nhiên hay xã hội thì đã là lệch rồi. Rồi liệu giáo viên và học sinh có bắt kịp những thay đổi? Việc học từ lâu đã là áp lực nặng nề với học sinh nay sẽ càng nặng hơn bởi số môn phải học thi càng nhiều.

Thiết nghĩ, những đổi mới để hoàn thiện là rất cần thiết nhưng mọi việc cần có lộ trình để học sinh và giáo viên bắt nhịp được đồng bộ. Đừng để việc thi cử trở thành áp lực quá lớn trên vai học sinh.

Vấn đề lựa chọn môn thi theo sở thích, sở trường thì có nên xem là “học lệch” và chuyện có nên tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không cũng còn lắm chuyện phải bàn!

CAO THỤY