Sổ tay giáo dục

Nỗi khổ "thường xuyên"

Cập nhật, 13:54, Thứ Tư, 21/09/2016 (GMT+7)

Được xây dựng quy mô với những phòng học khang trang nhưng giáo dục thường xuyên (GDTX) vẫn không thu hút người học.

Người học đã ít, người dạy cũng thiếu. Nỗi khổ “thường xuyên” ở các trung tâm này là căn bệnh nhiều năm với vòng luẩn quẩn: thiếu học sinh, thiếu giáo viên, học sinh bỏ học,…

Theo đề án phân luồng, đúng lý ra tỉnh Vĩnh Long cũng như các tỉnh khác có một số lượng lớn học sinh vào học GDTX nhưng đến nay chuyện này vẫn còn xa vời lắm.

Nói như ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp- GDTX (Sở GD- ĐT Vĩnh Long) thì: Mục tiêu đến năm 2015 học sinh vào GDTX đạt 12%, nay đã là 2016 con số này là 6,5%.

Trong khi đó, học sinh ở các cơ sở này bỏ học cũng hết sức thường xuyên, có đơn vị tỷ lệ bỏ học hơn 30%! Vì đa phần học sinh thường xuyên không thích học và học lực yếu.

Một người bạn của tôi dạy GDTX nói thật như đùa “mỗi tháng chỉ tính việc đi vận động học sinh đi học lại cũng… mỏi chân”. Mỗi dịp khai giảng năm học, giáo viên phổ thông may áo dài mới chuẩn bị cho năm học thì giáo viên thường xuyên phải đi đến từng nhà vận động học sinh đến trung tâm.

Đó là còn chưa kể việc thiếu giáo viên dù giáo viên cho ngành học GDTX mỗi môn chỉ có một người. Nghĩa là, mỗi giáo viên thường dạy và xây dựng chương trình cho cả 3 cấp học.

Trong khi đó, chương trình của GDTX chỉ học 7 môn học và được giảm tải nhẹ nhàng theo hướng phù hợp cho các em.

Hơn thế nữa, Trung tâm GDTX sáp nhập với Trung tâm Giới thiệu việc làm thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, các em vào học vừa được học văn hóa, vừa được học nghề miễn phí. Mong rằng, những thay đổi này sẽ giúp GDTX phát triển, chứ không còn khổ “thường xuyên” như trước giờ nữa.

CAO HUYỀN