Mong có nhà công vụ cho giáo viên

Cập nhật, 13:56, Thứ Tư, 21/09/2016 (GMT+7)

 

Lối đi vào một khu nhà công vụ của Trường THPT Bình Minh.
Lối đi vào một khu nhà công vụ của Trường THPT Bình Minh.

Tuy nhu cầu nhà công vụ (NCV) cho cán bộ, giáo viên không phải là quá nhiều, nhưng ở nhiều điểm trường, NCV thật sự rất cần thiết để cán bộ, giáo viên có chỗ ở ổn định, yên tâm công tác.

Còn thiếu và yếu

Theo Sở GD- ĐT, hiện nay đã có 30 phòng/NCV được xây dựng cho giáo viên ở các xã: Hựu Thành (Trà Ôn), Long Phú (Tam Bình), Tân Lược (Bình Tân) đã góp phần giải quyết phần nào khó khăn về nhà ở cho giáo viên công tác xa nhà (trên 30km).

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT, nhu cầu NCV còn nhiều, nhưng do ngân sách hạn hẹp nên Sở GD-ĐT chỉ tập trung cho việc xây dựng trường học. Hiện nay, các cán bộ, giáo viên được điều động về sở cũng không có NCV, do vậy còn gặp khó khăn trong sinh hoạt, hàng ngày phải đi về trên 30km.

Thầy Huỳnh Văn Út- Phó Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Hòa Bình (Trà Ôn) cho biết, hiện nay, nhà trường có sử dụng các phòng học cũ để sửa lại cho một số giáo viên chứ đây không phải là NCV. Còn rất nhiều giáo viên phải “tá túc” bên ngoài, có giáo viên ở trong các phòng học cũ thì “mỗi khi đến mùa mưa là ngập, trông rất… nheo nhóc”.

Thầy Huỳnh Văn Út cũng cho biết thêm, hiện nay nhu cầu NCV là rất bức xúc, ảnh hưởng ít nhiều đến công tác chuyên môn, sinh hoạt đời sống của giáo viên. Đến năm 2020, nhu cầu NCV cho khoảng 25 giáo viên.

“Năm học vừa rồi cũng có làm đề nghị xây dựng NCV, nhưng cũng chưa nghe được thông tin gì. Không biết đến khi nào thì xây dựng NCV cho giáo viên của trường?”

Trong khi đó, thầy Đỗ Thành Thụy- Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh (TX Bình Minh) cho biết, về cơ bản, NCV của trường đã đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, nhìn vào NCV mà… tội cho giáo viên. Nhà trường đã vận động nguồn tiền xã hội hóa, tận dụng cơ sở vật chất cũ để sửa chữa một số phòng ở.

“Hiện nay có một khu NCV đã xuống cấp với khoảng 20 năm chịu nắng, chịu mưa, kinh phí của nhà trường thì không được phép sử dụng để xây dựng NCV. Qua đó, rất mong Sở GD- ĐT cấp kinh phí hỗ trợ, giúp cho giáo viên có được chỗ ở ổn định, an tâm công tác…”- thầy Đỗ Thành Thụy chia sẻ.

“Thua chỗ trọ của học sinh”

Đó là cảm nhận của người viết khi tìm đến các phòng ở- nơi được xem là NCV của một số giáo viên Trường THPT Bình Minh (cạnh Trường THPT Hoàng Thái Hiếu). Đường đi nhỏ, cây bụi um tùm, đó là chưa kể con đường khá lầy lội sau những ngày mưa.

Theo thầy Đỗ Thành Thụy, khu NCV này trước kia đã xuống cấp trầm trọng, trường phải vận động và tận dụng mọi thứ để sửa chữa cho giáo viên ở tạm. “Lúc trước, nhà vệ sinh cũng không có, rất khó khăn. Nhà trường cũng đã có văn bản xin đất xây NCV, nhưng hiện cũng rất khó khăn và chưa biết chờ đến khi nào”.

Cô Hà Minh Thi- một giáo viên ở trong khu NCV này cho biết, hiện phòng cô có 3 giáo viên cùng ở.

Cô cho biết: “Ở đây cũng thoải mái, chỉ có sinh hoạt là nhiều bất tiện, khó khăn. Khi có khách, phụ huynh hay học sinh đến cũng không biết phải tiếp ở đâu. Mà nếu ở trọ cũng mất vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, rồi tiền sinh hoạt, ăn uống, đi về quê,… Đối với giáo viên mới ra trường, sẽ không còn tiền dư. Tuy còn khó khăn, nhưng nếu ở NCV cũng có thể dành dụm gởi về gia đình…”.

Cô Hà Minh Thi cũng cho biết thêm, nguyên dãy NCV chỉ có 1 giáo viên nam, song thời gian này thầy đang về quê chăm sóc vợ nghỉ thai sản nên “nhiều lúc cũng thấy lo lắng về mặt an ninh”.

Theo thầy Huỳnh Văn Út, NCV hiện nay là vấn đề cần thiết để “giáo viên có thể an cư, lạc nghiệp”. Tổng số giáo viên của nhà trường là 126, trong đó, có khoảng 20- 30 giáo viên rất cần ở NCV. Do đó, rất mong được hỗ trợ xây dựng NCV để giáo viên an tâm công tác.

Giám đốc Sở GD- ĐT Nguyễn Thị Quyên Thanh

Sở sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh cấp kinh phí xây dựng NCV cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn và NCV cho cán bộ, giáo viên được điều động về sở, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên có chỗ ở ổn định, an tâm công tác.

 

 

  • ™Bài, ảnh: KHÁNH DUY