THỰC HIỆN GIÁO DỤC AN TOÀN GIAO THÔNG TRƯỜNG HỌC NĂM 2012:

Nâng ý thức, giảm vi phạm

Cập nhật, 15:32, Thứ Tư, 28/11/2012 (GMT+7)


Lồng ghép nội dung tuyên truyền ATGT vào các tiết học, hội thi ATGT nhằm nâng cao ý thức cho HS. Ảnh: TL

Hưởng ứng năm An toàn giao thông (ATGT) quốc gia 2012, Sở GD- ĐT Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục ATGT trong trường học. Sau khi kế hoạch được ban hành, đến nay theo đánh giá, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.

Kéo giảm tình trạng vi phạm

Theo kế hoạch, Sở GD- ĐT và các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên kết hợp trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ, công nhân viên, học sinh (HS).

Trong đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên (nhất là các trường tham gia dự án ATGT đường bộ, vốn vay Ngân hàng Thế giới); rà soát lại chương trình, nội dung, phương pháp, thời lượng giảng dạy về trật tự ATGT.

Thêm nữa, trong kế hoạch thực hiện, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương giải tỏa hàng quán, hàng rong làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự giao thông, giữ trật tự nơi cổng trường. Thực hiện mục tiêu “đường thông, hè thoáng”, “Cổng trường ATGT” trong nội ô thành phố, thị trấn, các trường đóng ven tuyến Quốc lộ 1…

Kết quả thực hiện ATGT trường học được báo cáo trong buổi họp giao ban giữa học kỳ, một số trường nằm ven tuyến Quốc lộ 1 cho rằng: Tình hình tuy còn diễn biến phức tạp nhưng nhờ có những giải pháp cụ thể nên tình hình vi phạm của học sinh đã giảm rõ rệt.

Thầy Cao Phương Bình- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thông, cho biết: Trường nằm ven tuyến Quốc lộ 1 nên các vấn đề về giao thông hết sức phức tạp, do đó, kéo giảm tình trạng vi phạm là điều hết sức cần thiết.

Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp nắm và hệ thống lại phương tiện cá nhân của HS. Qua đó, toàn trường có 14 xe trên 50 phân khối và 150 xe dưới 50 phân khối. Đồng thời phối hợp với phụ huynh học sinh tuyên truyền nhằm giảm tối đa tình trạng vi phạm ATGT trong học sinh…

Thầy Bình còn cho biết: Ngoài các giải pháp trên thì nhà trường còn buộc bãi giữ xe nhà trường không được giữ xe phân khối lớn, tăng cường sự hỗ trợ của công an, dân phòng Phường 8 để xử lý các vi phạm, phân luồng HS sau các buổi tan trường,…

Trong khi đó, cô Trần Thị Bích Ngọc- Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương cho biết: Nhà trường đã thành lập Ban ATGT để tuyên truyền đến từng giáo viên, HS. Công tác tuyên truyền giữ vai trò chủ đạo khi tổ chức tuyên truyền hàng tuần, hàng tháng và lồng ghép vào các tiết học về luật giao thông. Tổ chức để lực lượng cảnh sát giao thông nói chuyện với các em HS. Đặc biệt là kiểm tra gắt gao HS chưa đủ tuổi đi xe gắn máy phân khối lớn.

Đánh giá về tình hình thực hiện ATGT, nhiều trường THPT cho biết: Bãi xe nhà trường không còn giữ xe HS đi xe phân khối lớn. Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường được hạn chế. Ý thức của các em được nâng lên khá rõ nét.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức

Trong kế hoạch thực hiện, với những mục tiêu, giải pháp đưa ra thì công tác tuyên truyền giữ một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ý thức tham gia giao thông của cán bộ, giáo viên, HS và phụ huynh.

Trong đó có việc phụ huynh HS ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho HS khi chưa có giấy phép lái xe. Ở những nơi có điều kiện đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, cần tuyên truyền, vận động, khuyến khích HS sử dụng. Hiện Vĩnh Long có 20 trường từ cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT được nhận máy chiếu (Projector) và màn chiếu phục vụ cho công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ.


Tình hình trật tự ATGT ở các cổng trường tuy có chuyển biến nhưng cũng còn phức tạp.

Thầy Lê Quang Phương- Phó Phòng Giáo dục trung học cho biết: Hưởng ứng năm ATGT quốc gia, Sở GD- ĐT và các trường cùng phối hợp, triển khai kế hoạch thực hiện ATGT trong trường học và bước đầu đã có một số kết quả.

Nhìn chung đã có sự chuyển biến tích cực trong ý thức của cán bộ, giáo viên, HS, phụ huynh. Tuy nhiên, trong thời gian tới cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa trong các buổi sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt chủ nhiệm và lồng ghép mạnh hơn vào các tiết học, nhất là môn giáo dục công dân.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc thực hiện ATGT trong trường học vẫn còn một số vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. Thầy Bình cho biết: Nếu ở trong phạm vi nhà trường, thì giáo viên có thể phát hiện, xử lý hạnh kiểm yếu. Còn HS gởi xe bên ngoài thì giáo viên không thể xử lý. Do đó, một bộ phận HS còn chủ quan, chưa ý thức.

Trong khi đó, theo hiệu trưởng một trường THPT thì các bãi giữ xe ngoài nhà trường tuy có cam kết không giữ xe phân khối lớn của HS nhưng thực tế vẫn không thể “buộc” họ làm đúng theo cam kết. Do đó, cần phải có một sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường với các ngành liên quan để quản lý tốt hơn.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY