Tại sao học sinh lơ là việc học lịch sử dân tộc?

Cập nhật, 07:13, Thứ Tư, 31/10/2012 (GMT+7)

Học lịch sử không phải chỉ nhìn lại quá khứ, mà học để biết cội nguồn của tổ tiên, để biết lịch sử hào hùng của dân tộc, để biết những hy sinh, mất mát của cả một thế hệ đi trước, để biết được giá trị của hòa bình, tự do, để thêm yêu quê hương đất nước và từ đó có nhận thức và hành động đúng trong tương lai.

Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Nhà chính trị Roma cổ cũng đã từng tuyên bố: “Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống”. Ấy vậy mà thế hệ trẻ ngày nay lại lơ là không thiết tha với lịch sử dân tộc. Phải chăng thế hệ trẻ đang sống trong hòa bình nên không hiểu hết giá trị của độc lập tự do cho nên có thái độ xem nhẹ môn Lịch sử.

Gần đây, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm thi môn Lịch sử yếu kém chiếm tỷ lệ rất cao, gióng lên hồi chuông báo động, làm thức tỉnh trong ngành giáo dục, đặc biệt đối với những giáo viên dạy môn Lịch sử. Đây là môn học lý thuyết, vậy mà có nhiều bài thi lại mang “trứng ngỗng”, chứng tỏ học sinh không có kiến thức gì về lịch sử.

Đó không chỉ là hỏng kiến thức ở một môn học trong trường phổ thông mà còn là hỏng kiến thức lịch sử hào hùng của cả một dân tộc, một đất nước, có thể sẽ dẫn đến hỏng cả một tư tưởng chính trị
chân chính.

Đặc thù của môn Lịch sử là khô khan, mang tính trừu tượng khó nhớ. Đồ dùng dạy học môn Lịch sử lại đơn điệu, chủ yếu là bản đồ không gây được hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên cũng có một số đồ dùng dạy học rất sinh động, nhưng phần lớn các giáo viên xem như là “bảo bối” để đem ra dự thi mà thôi hay chỉ sử dụng có khi “khách đến”.

Hay những suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận nhỏ giáo viên và học sinh cho rằng đây là môn phụ nên không cần cố gắng và giáo viên cũng không thật sự đầu tư chu đáo cho môn học này. Cũng chính vì xem đây là môn phụ, nên trên thực tế ít có trường nào lấy môn Lịch sử làm môn “mũi nhọn” và vì thế ít có “điều kiện” sâu sát đối với môn học này. Thêm vào đó ý thức học tập của học sinh ngày càng kém. Chính những nguyên nhân trên đã dẫn đến thực trạng “trắng môn Lịch sử” .

Dù có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, từ phía học sinh hay từ phía giáo viên dạy học môn Lịch sử, nhưng điều quan trọng đó chính là hậu quả của nó.

Thế hệ trẻ được xem là lực lượng nòng cốt, kế thừa để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng lại không nhận thức được hết giá trị của lịch sử dân tộc. Vậy những mầm xanh này liệu có đủ năng lực và phẩm chất chính trị để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đối với đất nước?

Học môn Lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không chỉ bổ sung kiến thức cho học sinh mà còn giáo dục đạo đức, phẩm chất chính trị, góp phần hình thành nhân cách và giúp cho học sinh định hướng đúng cho tương lai. Nó càng có ý nghĩa hơn khi đất nước cần mỗi con người chúng ta chung tay đối phó với âm mưu diễn biến hòa bình và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Nếu học sinh không thấm nhuần lịch sử dân tộc thì dễ dàng có những suy nghĩ lệch lạc, dễ bị lôi kéo bởi những phần tử xấu. Để cải thiện được tình trạng này, trước hết phải nói đến cái “tâm” và sự sáng tạo của giáo viên dạy môn “Lịch sử”.

ĐỖ THỊ TỐ NHƯ