Trại rắn Đồng Tâm: Từ du lịch đến cứu người

Cập nhật, 13:45, Thứ Ba, 13/12/2016 (GMT+7)

Có thể xem Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) là trại rắn lớn nhất nước. Nơi đây không chỉ thu hút nhiều du khách đến tham quan mà còn là một “địa chỉ tin cậy” để cứu chữa những trường hợp bị rắn độc tấn công…

Du khách nước ngoài thích thú với tiêu bản rắn hổ chúa (hổ mây) tại Bảo tàng của Trại rắn Đồng Tâm.
Du khách nước ngoài thích thú với tiêu bản rắn hổ chúa (hổ mây) tại Bảo tàng của Trại rắn Đồng Tâm.

Cách trung tâm TP Mỹ Tho khoảng 9km, Trại rắn Đồng Tâm được mệnh danh là vương quốc của các loài rắn lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học, nơi chuyên cấp cứu và điều trị cho người dân khu vực ĐBSCL bị rắn độc cắn.

Nơi đây hiện đang nuôi hàng trăm loại rắn khác nhau, từ những loài rắn lành như: rắn nước, rắn gáo,… đến các loài rắn độc như: hổ ngựa, hổ cạp nia… Rắn ở đây được nuôi thả tự do, gồm 3 khu vực theo tính chất mỗi loài rắn: khu nuôi trăn, khu nuôi rắn độc và khu nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước.

Cô Trần Thị Tuyết Nguyệt- du khách đến từ Vĩnh Long- cho biết: Ấn tượng nhất là khu vực nuôi rắn đảo hồ nước, bởi có quá nhiều rắn trên chòm lá khiến nhiều người không khỏi rùng mình, không dám đến gần.

Đến với Trại rắn Đồng Tâm, ngoài xem thực tế các loài rắn thì còn tìm hiểu xem đặc điểm, phân bố, cũng như những kiến thức cơ bản về từng loài. Qua đó, cũng tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất, giúp nhận diện cũng như “đánh giá tình hình” để có cách tự phòng ngừa tai nạn về rắn.

Trại rắn Đồng Tâm đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều loài rắn phân bố từ Nam chí Bắc. Trong đó, phải kể đến con rắn hổ chúa (hổ mây) 17 tuổi, dài 4,2m, nặng 18kg.

Trại rắn Đồng Tâm là một địa chỉ tham quan khá độc đáo, thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước.
Trại rắn Đồng Tâm là một địa chỉ tham quan khá độc đáo, thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước.

Thượng tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương- Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm cho biết: Về mặt du lịch, để thu hút khách tham quan, ban giám đốc luôn quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng. Đặc biệt là phát triển bầy đàn các loài rắn quý hiếm, ngoài việc phục vụ tham quan còn để nghiên cứu, phát triển dược liệu.

Bên cạnh đó, trại rắn còn trồng các loại cây dược liệu, trong đó có một số loại quý hiếm. Cũng theo Thượng tá Vũ Ngọc Lương, du khách đến đây sẽ được thuyết minh về đời sống, tập tính, sinh thái của rắn để có thể tự trang bị kiến thức cho mình.

Trại nuôi rắn ở đây chủ yếu là lấy nọc xuất khẩu kết hợp trồng cây dược chất. Theo Thượng tá Vũ Ngọc Lương, Khoa Cấp cứu của trại rắn cứu sống 100% số ca bị rắn độc cắn nếu các nạn nhân được đưa đến cấp cứu kịp thời.

“Trung bình hàng năm ở ĐBSCL có khoảng 1.700 ca bị rắn cắn, trong đó có khá nhiều ca bị rắn có độc tính cao cắn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm cũng như quá trình nghiên cứu dược liệu hiện đại nên các trường hợp đến đây đều được cứu chữa kịp thời”.

Trại rắn Đồng Tâm là một điểm tham quan khá độc đáo, hàng năm đón hàng trăm ngàn lượt khách. Cũng từ đó những kiến thức về rắn được truyền đạt, góp phần cho người dân thông hiểu, tự phòng chống rắn trong tự nhiên.

 

Thượng tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương-Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm

Hiện trại rắn Đồng Tâm bào chế nhiều loại dược phẩm quý như rượu rắn, cao rắn... dùng để chữa các bệnh về xương, khớp, loại thuốc dùng xoa bóp với thành phần chính là nọc rắn hổ. Ngoài ra, còn có mỡ trăn dùng chữa bỏng hoặc da bị nứt nẻ, bột rắn lục chữa thoái hóa cột sống... Riêng huyết thanh kháng nọc rắn do Trại rắn Đồng Tâm nghiên cứu, bào chế và đã cung cấp cho hệ thống bệnh viện trên toàn quốc.

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY