Đến Xẻo Quýt ngắm hoang sơ, nghe quá khứ hào hùng

Cập nhật, 08:57, Chủ Nhật, 11/12/2016 (GMT+7)

Vào một ngày cuối tuần, tạm rời xa nơi phố thị ồn ào, nhộn nhịp, chúng tôi quyết đèo xe máy đi tham quan Xẻo Quýt- một khu di tích được mệnh danh là “căn cứ lòng dân”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Xẻo Quýt được Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) chọn làm căn cứ để lãnh đạo quân, dân đứng lên đấu tranh chống giặc, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975 mang lại độc lập, tự do cho nhân dân.


Nhiều đoàn viên, thanh niên chọn di tích Xẻo Quýt để tổ chức các hoạt động về nguồn.
Nhiều đoàn viên, thanh niên chọn di tích Xẻo Quýt để tổ chức các hoạt động về nguồn.

 

Từ TP Vĩnh Long, chúng tôi vượt cầu Mỹ Thuận đến ngã ba An Thái Trung (Cái Bè- Tiền Giang), rẽ trái rồi chạy theo Quốc lộ 30 khoảng 12km đến ngã tư Mỹ Long, sau đó chúng tôi tiếp tục rẽ phải và chạy thêm 5km nữa thì đến khu di tích Xẻo Quýt tọa lạc tại Ấp 4, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh- Đồng Tháp.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến khu di tích là những cánh rừng tràm cổ thụ, bạt ngàn che mát một không gian rộng lớn, tạo nên không khí trong lành, mát mẽ, thoáng đãng làm cho lòng người nhẹ nhàng, tâm hồn được thư thả hơn và quên đi những lo toan, phiền muộn của cuộc sống thường nhật.

Vài phút sau khi chúng tôi đến, nhiều chiếc xe du lịch 16, 29 chỗ của các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, của các hãng du lịch lữ hành ở TP Hồ Chí Minh cũng lần lượt đỗ trước cổng khu di tích để đưa các bạn đoàn viên, thanh niên, cán bộ cách mạng lão thành và du khách đi về nguồn, tham quan, tìm hiểu di tích Xẻo Quýt.

Trao đổi với các chị hướng dẫn viên của di tích chúng tôi được biết, với diện tích khoảng 70ha, hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, cùng không khí trong lành và cảnh quan thiên nhiên còn đậm nét hoang sơ, nên những năm gần đây khu di tích Xẻo Quýt rất phù hợp cho các đoàn khách tổ chức các hoạt động về nguồn và sinh hoạt truyền thống.

Có 2 cách tham quan di tích Xẻo Quýt là đi bộ và đi xuồng. Sau một hồi “hội ý”, chúng tôi quyết định trải nghiệm bằng xuồng ba lá- một loại xuồng gắn liền với đời sống sinh hoạt của bà con miền Tây Nam Bộ, để len lỏi qua những tán rừng tràm tận hưởng thiên nhiên hoang dã nơi đây.

Do vào ngày cuối tuần, nên lượng khách đến di tích rất đông, tranh thủ lắm chúng tôi mới mua được 2 vé tham quan bằng xuồng và tất nhiên là đi xuồng cuối cùng trong đội xuồng 18 chiếc phục vụ khách lúc này.

Trong bộ đồ bà ba đen, với chiếc nón tay bèo trên đầu và chiếc khăn rằn quấn cổ của nữ giao liên thời kháng chiến, chị Kiều Phương- vừa bơi xuồng đưa chúng tôi tham quan, vừa nói: “Khu di tích Xẻo Quýt có rất nhiều tràm, đa phần cây tràm nơi đây có tuổi thọ hơn 50 năm cùng với nhiều dây leo quấn quanh tạo thành những khối hình chóp nón lớn, hùng vĩ”.

Bên cạnh đó là trên 170 loài thực vật và 200 loài động vật hoang dã, nhiều động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam đang được di tích nuôi giữ và bảo tồn như: rùa, rắn, chim, cá... đã tạo cho Xẻo Quýt có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ thích hợp cho du khách khám phá, trải nghiệm.

Trong 25 phút men theo các con mương, con rạch ngoằn ngoèo của di tích, chúng tôi còn được chị Nhung- Hướng dẫn viên khu di tích chỉ cho xem những công sự hình chữ A, chữ Z thấp thoáng sau tán rừng tràm trước đây được Tỉnh ủy Kiến Phong xây nên để chống địch càn quét, hay xem những căn nhà dã chiến của đơn vị văn thư, nhà bảo vệ, hội trường Tỉnh ủy, hay bãi lầy có gài lựu đạn, chông, mìn để chống trực thăng đổ quân, hoặc xe tăng càn vào khu căn cứ và nghe chị kể về một thời hào hùng của chiến khu xưa cũng như những chiến công của cán bộ, chiến sĩ cách mạng thuộc Tỉnh ủy Kiến Phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chị Nhung nói: Hiện nay, tại phòng trưng bày tư liệu lịch sử của di tích còn trưng bày một số hiện vật của các chú, các bác sử dụng trong chiến tranh được sưu tầm lại để giới thiệu với khách tham quan.

Những hiện vật này như là minh chứng hùng hồn của quân và dân ta, đã viết nên những trang sử hào hùng, chói lọi của cha ông ta ra sức chiến đấu chống giặc mang lại hòa bình, độc lập cho chúng ta ngày hôm nay.

Trong hành trình một ngày đến Xẻo Quýt, chúng tôi còn được “tận mục sở thị” một loại bông súng có lá rất to, vành tròn, rộng như chiếc nia, được người dân địa phương gọi là bông súng nia.

Chúng tôi cũng không quên thưởng thức các món ăn đặc sản vùng “Sen Hồng” Đồng Tháp, trong đó có món ăn rất riêng nơi đây đã tạo cho chúng tôi ấn tượng khó phai đó là món cơm vắt gói lá sen chấm muối mè.

Rời khu di tích Xẻo Quýt trong buổi chiều tà, kèm theo mưa lất phất, nhưng lòng chúng tôi vẫn thầm nhủ sẽ trở lại với khu di tích này vào một dịp gần nhất!

 

Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Xẻo Quýt là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 9/4/1992. Hiện nay, di tích Xẻo Quýt như là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Bài, ảnh: MINH TRIẾT