Thuốc lá và sức khỏe

Nguy cơ ung thư khoang miệng vì hút thuốc lá

Cập nhật, 06:11, Thứ Ba, 03/03/2020 (GMT+7)

 

 

Ung thư khoang miệng là bệnh ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như lợi, lưỡi, môi, má, vòm miệng, sàn miệng. Đây là căn bệnh phổ biến và gây ảnh hưởng đến môi, mô bên trong môi, má, răng, 2/3 phía sau lưỡi (một phần của họng), lợi, vùng dưới lưỡi và vòm họng.

Việc từ bỏ thuốc lá là bạn đã loại bỏ được nguyên nhân rất lớn gây ra căn bệnh ung thư khoang miệng.
Việc từ bỏ thuốc lá là bạn đã loại bỏ được nguyên nhân rất lớn gây ra căn bệnh ung thư khoang miệng.

Các chuyên gia cho rằng hút thuốc lá và uống rượu trong một thời gian dài, niêm mạc miệng luôn bị kích thích bởi một chiếc răng nhọn đôi khi do xương cá đâm vào, niêm mạc bị tác động do ăn trầu thuốc sau một thời gian dài có thể dẫn đến ung thư.

Đáng lưu ý, người hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn nhiều so với người không hút. Ngoài ra, thói quen ăn trầu, vệ sinh răng miệng kém... gây nên những tổn thương trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, ung thư biểu mô khoang miệng chiếm 30- 40% các ung thư vùng đầu cổ. Nguyên nhân gây ra căn bệnh này chủ yếu là do thói quen hút thuốc lá thường xuyên, hay niêm mạc miệng bị kích thích bởi vật nhọn như răng, đũa, xương cá...

Các dấu hiệu của ung thư khoang miệng như xuất hiện mảng trắng hoặc đỏ trên môi, nướu, lưỡi hoặc miệng; có khối u bên trong miệng hoặc cổ; đau hoặc khó nhai, nuốt hoặc nói; khàn giọng kéo dài; răng lung lay không phải do tác động ngoại lực; chảy máu trong miệng; vết loét trên môi hoặc trong miệng lâu ngày không khỏi;…

Do triệu chứng bệnh khá giống với các bệnh lý viêm nhiễm tại miệng nên người bệnh thường đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, do đó việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém mà hiệu quả không cao.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, phòng ung thư khoang miệng đầu tiên là nói không với hút thuốc lá. Việc giữ gìn vệ sinh răng miệng và thực hiện kiểm tra sức khỏe răng miệng ít nhất 2 lần mỗi năm là rất quan trọng để phòng tránh bệnh ung thư miệng.

Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời vì việc tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư môi. Ung thư môi sẽ dẫn đến ung thư biểu mô khoang miệng. Luôn dùng kem chống nắng, vật bảo vệ môi và vùng da mặt bất cứ lúc nào ra ngoài trời nắng gắt.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với hoạt động thể dục thể thao giúp cho cơ thể tăng sức miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật.

Đồng thời, người dân tham gia khám tầm soát phát hiện sớm một số bệnh ung thư phổ biến trong đó có những gói khám dành cho người bệnh tầm soát ung thư
khoang miệng.

Bài, ảnh: MAI ANH