Thị trấn mới của vùng đất rẫy

Cập nhật, 17:05, Thứ Tư, 12/02/2020 (GMT+7)

Không còn là mong đợi, từ tháng 2/2020 xã Tân Quới chính thức trở thành thị trấn Tân Quới- trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của xứ rẫy Bình Tân. Hiện bộ máy thị trấn mới đang được khẩn trương sắp xếp, hoàn tất để đảm bảo đi vào hoạt động hiệu quả.

Một góc đô thị Tân Quới hôm nay.
Một góc đô thị Tân Quới hôm nay.

Năm mới, thị trấn mới

Từ lâu, Bình Tân là huyện duy nhất còn lại của tỉnh chưa có thị trấn. Việc xây dựng xã Tân Quới lên thị trấn đã được tập trung thực hiện nhiều năm nay. Tin vui thành lập thị trấn Tân Quới đến ngay thời khắc giao thừa tiễn năm cũ, đón năm mới 2020 mang đến “niềm vui kép” cho người dân xứ rẫy.

Theo Nghị quyết số 860 ngày 10/1/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Vĩnh Long (có hiệu lực thi hành từ 1/2/2020), điều chỉnh 2,56km2 diện tích tự nhiên và 3.485 người của xã Thành Đông vào xã Tân Quới; đồng thời điều chỉnh 4,41km2 diện tích tự nhiên cùng 2.450 người của xã Thành Lợi vào xã Tân Quới.

Như vậy, xã Tân Quới có 14,72km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 20.153 người. Đồng thời, thành lập thị trấn Tân Quới theo diện tích tự nhiên và quy mô dân số như trên. Theo đó, thị trấn Tân Quới giáp xã Tân Bình, Thành Lợi (huyện Bình Tân) và TP Cần Thơ.

Cụ thể, diện tích thị trấn được mở rộng trên cơ sở lấy thêm 5 ấp thuộc xã Thành Đông và xã Thành Lợi, các khu vực công viên, trung tâm hành chính, trụ sở ngành giáo dục… hiện có giờ thuộc thị trấn. Hiện, các địa phương đang làm các thủ tục bàn giao cơ sở vật chất. Bộ máy thị trấn mới đang được khẩn trương sắp xếp, hoàn tất để đảm bảo đi vào hoạt động hiệu quả (dự kiến hoàn thành trong quý I/2020).

Là người “sống cố cựu” ở Tân Quới, ông Phan Văn Dầy phấn khởi vì nơi này có sự phát triển từng ngày rõ nét: “Trước kia, người dân phải qua cầu khỉ, mỗi mùa nước nổi là ngập lênh láng, muốn cất nhà phải vác cát đi lèng xèng. Ngày nay, điện sáng trưng, nước sạch đã về phủ hết, học sinh được học trong những ngôi trường đạt chuẩn, nhà cửa khang trang…”

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng đầy đủ, đời sống nâng lên. Cuối ngày, người dân có thể đến công viên ngay trên địa bàn thư giãn hoặc sang phố lớn chỉ mất chừng mươi phút vượt sông vì có bến đò Chồm Yên “nối” qua TP Cần Thơ. Mua bán hàng hóa giữa Bình Tân và TP Cần Thơ cũng thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông.

Bức tranh Tân Quới đến năm 2030

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Trần Ngọc Hùng, căn nhà có hàng rào hoa trang được cắt tỉa gọn gàng khá đẹp mắt. Theo ông Trần Ngọc Hùng, so với lúc mới giải phóng, xã Tân Quới đã có sự thay đổi rất nhiều.

Nổi bật là đời sống người dân được nâng cao, nhà cửa sạch đẹp, khang trang hơn, điều kiện học hành tốt hơn, hầu hết đều được học trường chuẩn quốc gia từ cấp 1 đến cấp 3. Trước ngày giải phóng, người dân toàn sử dụng đèn dầu. Sau giải phóng thì bắt đầu có máy dầu, đến nay thì đã được điện hóa 100%. Về phương tiện đi lại thì trước kia chỉ có đi bộ hoặc đi xe đạp nhưng giờ xe 4 bánh đã về tới tận nhà.

Theo Quyết định số 2575 ngày 11/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh và mở rộng quy hoạch chung đô thị (ĐT) Tân Quới (huyện Bình Tân) đến năm 2030, Tân Quới được định hướng phát triển không gian dọc QL54 dạng lan tỏa- từ trung tâm ĐT hiện hữu về phía xã Thành Lợi và về hướng sông Hậu, chia thành các khu vực chức năng chính.

Cụ thể, khu vực thuộc ấp Thành Quới, Thành Khương (xã Thành Đông) và ấp Tân Thuận, Tân Hữu (xã Tân Quới) là các khu chức năng chính: khu hành chính huyện, thương mại dịch vụ, trung tâm văn hóa, thể thao, công viên, quảng trường, trường học, khu tái định cư, khu nông nghiệp công nghệ cao…

Bên cạnh, khu vực thuộc ấp Tân Hòa (xã Tân Quới) và trục đường xuống bến phà Chồm Yên gồm Cụm công nghiệp Tân Quới và khu dân cư. Cùng với đó, khu vực ấp Tân Lợi, Tân Vinh, Tân Hạnh và Tân Đông (xã Tân Quới) là khu ĐT mới và tổ hợp dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng Tân Quới.

Đồng thời, khu vực ấp Thành Nhơn, Thành Công và Thành Tâm (xã Thành Lợi) gồm: một phần của Khu công nghiệp Bình Tân, khu hành chính của thị trấn, trung tâm y tế huyện, nhà ở xã hội, trường học, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các khu dân cư…

Trong đó, khu không gian chính trung tâm ĐT bao gồm các khu chức năng: khu hành chính tập trung, khu dự án chợ Tân Quới và chỉnh trang khu dân cư ấp Thành Quới, nhà phố thương mại dịch vụ, trung tâm văn hóa truyền hình, công viên truyền hình, công viên trước khu hành chính huyện.

Trục đường chính QL54 đi ngang ĐT vừa là trục giao thông đối ngoại chính vừa là trục giao thông chính của nội thị. Đây là trục tập trung các công trình hành chính, giáo dục, thương mại, phát triển nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại, xây dựng nhà nhiều tầng. 

Riêng các công trình công cộng, nhà biệt thự cần có khoảng lùi trồng cây xanh. Bên cạnh, trục cảnh quan ven sông Hậu thuận tiện phát triển du lịch sinh thái. Sông Trà Mơn, kinh Chú Bèn, rạch Bà Giêng là giao thông thủy chính của huyện và ĐT Tân Quới. Trục cảnh quan ven sông phù hợp kiến trúc của nhà vườn, biệt thự sân vườn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện Tân Quới đang được đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nhằm hướng tới phát triển công nghiệp- thương mại- dịch vụ mạnh mẽ hơn. Trong đó, đang kêu gọi đầu tư khu ĐT, trung tâm thương mại, khu công nghiệp và khu du lịch sinh thái...

Việc thành lập thị trấn Tân Quới đã đáp ứng nguyện vọng từ lâu của chính quyền và người dân về một ĐT trung tâm- tạo động lực phát triển cho vùng đất rẫy nói riêng và các vùng lân cận. Tới đây, thị trấn Tân Quới cần tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình, trong đó có lợi thế “chung một dòng sông với TP Cần Thơ” để đưa vùng đất cặp sông Hậu ngày càng phát triển.

Ông Phan Văn Dầy

Nhà tôi có 2 công đất ngay địa điểm quy hoạch cụm công nghiệp. Đất đó trước đây tôi trồng lúa, sau chuyển sang một vụ lúa- một vụ màu, rồi dần chuyển sang làm vườn. Đến giờ, địa phương cần lấy đất làm công nghiệp, có nhà đầu tư vào sẽ tạo công ăn việc làm tại chỗ cho con em mình nên tôi rất đồng tình.

 

Ông Trần Ngọc Hùng

Dù thay đổi nhiều về diện mạo, đời sống người dân nâng lên nhưng nhìn chung Tân Quới lên thị trấn vẫn còn chậm, cần đẩy nhanh phát triển kinh tế- xã hội của địa phương trong thời gian tới. Trong đó, cần quan tâm nhiều hơn đến bộ mặt ĐT nhất là khu vực chợ- vẫn còn bề bộn. Bên cạnh, địa phương cần tạo việc làm tại chỗ cho người dân nhiều hơn…

Bài, ảnh: SÔNG HẬU- NGUYỄN PHƯƠNG