Đột phá trong thay khớp háng với đường mổ superpath

Cập nhật, 12:43, Thứ Bảy, 14/09/2019 (GMT+7)

Thay khớp háng được xem là một thành công của ngành chấn thương chỉnh hình vì giúp bệnh nhân bị hư khớp háng có thể sinh hoạt gần như bình thường sau khi thay khớp. Nhưng biến chứng đáng ngại sau thay khớp háng là trật khớp.

Bình thường khớp háng tự nhiên sẽ có hệ thống bao khớp và dây chằng phía trước cũng như bao khớp và khối cơ ở phía sau bảo vệ để khớp háng không bị trật khi chúng ta ngồi xổm hay ngồi bắt chéo chân.

Khi thay khớp háng, bác sĩ sẽ mở ổ khớp bằng cách cắt bao khớp phía trước (cho kỹ thuật thay khớp lối trước) hay cắt bao khớp và cơ phía sau (kỹ thuật thay khớp lối sau).

Kỹ thuật thay khớp lối trước được cho là giảm tỉ lệ trật khớp háng do không cắt bao khớp và cơ phía sau khớp.

Nhưng kỹ thuật này khó thực hiện và không thích hợp cho các bệnh nhân có lòng tủy xương đùi nhỏ vốn hay gặp ở dân Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Hơn nữa kỹ thuật thay khớp lối trước cũng có thể bị trật khớp háng nhân tạo ra trước.

Kỹ thuật thay khớp háng lối sau có đặc điểm phẫu trường rộng dễ quan sát nên hầu hết các bác sĩ mổ thay khớp háng hay dùng.

Tuy nhiên điểm yếu của đường mổ phía sau là phải cắt một phần hay toàn bộ bao khớp và nhóm cơ phía sau nên khớp háng dễ bị trật sau khi mổ.

Bệnh nhân có thể đứng lên, ngồi xuống sau thay khớp háng với đường mổ superpath - Ảnh: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Bệnh nhân có thể đứng lên, ngồi xuống sau thay khớp háng với đường mổ superpath - Ảnh: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Vì những điểm yếu trên nên các bác sĩ nghĩ đến việc mổ bằng đường mổ phía trên của khớp háng. Đường mổ này chỉ cắt bao khớp trên và một cơ hình lê. Sau đó, để bảo tồn nhóm cơ xoay khớp háng tối đa, người ta dùng nòng sắt hỗ trợ cho kỹ thuật doa ổ cối nên không cần cắt cơ hình lê.

Kỹ thuật superpath là kỹ thuật thay khớp háng bằng đường mổ phía trên với sự trợ giúp của nòng sắt.

Đường mổ này có ưu điểm là không cắt cơ mà chỉ mở bao khớp phía trên, không cắt dọc dải chậu chày, đường mổ nhỏ do đó giúp giảm đau sau mổ, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau hôm mổ, và quan trọng nhất là hạn chế trật khớp háng ra sau tối đa.

Đây là kỹ thuật mới trên thế giới và bác sĩ nhiều nước bắt đầu triển khai.

Tại khoa Chấn thương chỉnh hình - bệnh viện Nguyễn Tri Phương, kỹ thuật thay khớp háng bằng đường mổ superpath đã được triển khai nhiều tháng qua. Hàng chục bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi, thoái hoá khớp háng đã được thay khớp háng thành công.

Kỹ thuật này thật sự mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, gồm bớt lượng thuốc giảm đau dùng sau mổ do bệnh nhân rất ít đau, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau mổ vì không cắt gân cơ vùng khớp háng, giảm nguy cơ trật khớp háng sau mổ. Bệnh nhân cũng ít bị đau mặt ngoài đùi do không phải cắt dọc dải chậu chày như đường mổ kinh điển phía sau.

Những nghiên cứu được trình bày trong hội nghị chuyên về thay khớp tại Cleveland (Ohio, Mỹ) gần đây cho thấy các đường mổ nhỏ phía trước và phía trên làm bệnh nhân hài lòng hơn trong 2 năm đầu sau mổ, tuổi thọ của khớp cũng tương đương với đường mổ phía sau sau 5 năm.

Một nghiên cứu ngắn hạn tại khoa Chấn thương chỉnh hình - bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân sau mổ bằng kỹ thuật superpath cao hơn hẳn so với nhóm mổ bằng đường mổ bình thường.

Bệnh nhân có thể đi cầu thang sau thay khớp háng với đường mổ superpath - Ảnh: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Bệnh nhân có thể đi cầu thang sau thay khớp háng với đường mổ superpath - Ảnh: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Theo TTO