Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình

Cập nhật, 14:30, Thứ Sáu, 28/06/2019 (GMT+7)
Các tiểu phẩm trong hội thi “Tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ” đã lan tỏa thông điệp gia đình bình đẳng và không bạo lực.
Các tiểu phẩm trong hội thi “Tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ” đã lan tỏa thông điệp gia đình bình đẳng và không bạo lực.

Xây dựng gia đình hạnh phúc là nhu cầu của không chỉ mỗi gia đình mà còn của cả xã hội, là nền tảng phát triển xã hội. Trong nhiều khía cạnh để xây dựng hạnh phúc, có yếu tố không để xảy ra bạo lực gia đình (BLGĐ).

Nỗi đau của BLGĐ

BLGĐ có thể xảy ra với bất cứ ai, cả nam giới, phụ nữ, trẻ em… Trong 10 năm (2008- 2018), Vĩnh Long xảy ra 2.527 vụ BLGĐ. Trong đó, bạo lực thân thể là 1.213 trường hợp, bạo lực tinh thần là 999 trường hợp, bạo lực kinh tế là 249 trường hợp và bạo lực tình dục là 66 trường hợp.

Các hành vi bạo lực chủ yếu là: chồng chửi, đánh vợ và ngược lại; cha mẹ đánh con và ngược lại; anh em ruột đánh nhau; nàng dâu ngược đãi mẹ chồng... Người gây ra BLGĐ đa số là nam giới và nạn nhân là phụ nữ, người già và trẻ em.

Ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ như: do bất đồng trong phân công lao động, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, sự gia trưởng, ghen tuông, ích kỷ, rượu chè, cờ bạc hay do mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình…”

Nhiều người phụ nữ ngại “vạch áo cho người xem lưng” vì sợ bị chê cười, nên BLGĐ vẫn như một cơn sóng ngầm, mà chỉ người “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Khi tình cảm không còn, sự tích tụ những ấm ức, bực tức hay sự chịu đựng đã vượt ngưỡng thì chỉ cần một hành vi “giọt nước làm tràn ly” từ phía người kia là có thể khơi nguồn một hành vi tội ác.

Người lớn đường ai nấy đi khiến tổ ấm tan vỡ hoặc những trẻ từng thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành gia đình sẽ để lại dư chấn tâm lý lâu dài, có thể bị ám ảnh, bị trầm cảm, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách. 

Anh Huỳnh Thanh Tường (xã Thuận An- TX Bình Minh) là công an xã hơn 8 năm. Anh kể, không nhớ nổi ngần ấy thời gian công tác đã giải quyết bao nhiêu việc vợ kiện chồng bạo lực, “cứ 10 bữa, nửa tháng là có chuyện vì người dân quê chưa có nhận thức tốt, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lấn cấn tiền chợ, tiền cho con đi học,…

Ông chồng chán nên nhậu nhẹt rồi đánh vợ, đánh con. Tụi tui khuyên can nhiều khi không có tác dụng, phạt cảnh cáo vài lần họ mới thôi. Cần nhất vẫn là ý thức của mỗi người”.

Từ khi Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực thi hành, bằng nhiều giải pháp, cách thức tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp, đa số cán bộ chính quyền, đoàn thể và cộng đồng đã thay đổi về nhận thức, thái độ và hành vi về ý thức chấp hành thực thi phòng, chống BLGĐ.

Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển ở những vùng nông thôn; trật tự xã hội được ổn định, tình làng nghĩa xóm được gắn kết; nhiều hộ gia đình có bạo lực chí thú lao động, vươn lên thoát nghèo, nuôi dạy con ngoan.

Phòng, chống BLGĐ

Gia đình hiện nay đang đứng trước những thách thức mới và chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực như: giá trị đạo đức có chiều hướng thay đổi, các mối quan hệ trong gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo, vấn nạn bạo lực trong gia đình, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng…

Bằng nhiều cách làm phù hợp, công tác phòng, chống BLGÐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ngày càng có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện ở số vụ BLGĐ có xu hướng giảm, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên.

Đời sống văn hóa cơ sở từng bước phát triển và thay đổi diện mạo kể từ khi triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ được lồng ghép tuyên truyền và đưa vào tiêu chí xét danh hiệu “Hộ gia đình văn hóa” của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phong trào này được đông đảo quần chúng tích cực hưởng ứng tham gia, tạo ra hiệu quả chính trị- xã hội rộng lớn. Đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao.

Theo ông Ngô Văn Tư- Trưởng nhóm Phòng, chống BLGĐ ấp Phú Hữu Đông (xã Phú Thịnh- Tam Bình), trước khi triển khai mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ thì địa bàn ấp mỗi năm có từ 5- 7 vụ bạo hành.

Từ đầu năm 2012, khi triển khai mô hình, nhóm Phòng, chống BLGĐ xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công từng thành viên trong nhóm để phụ trách các tổ tự quản, nắm bắt thực tế những trường hợp BLGĐ đã xảy ra và cả những hộ gia đình có nguy cơ bạo lực để tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền, giáo dục.

Ông Ngô Văn Tư cho biết: “Các trường hợp gây ra BLGĐ đã chuyển biến tốt, chí thú làm ăn. Người dân đã hiểu tác hại của BLGĐ. Từ năm 2014 đến nay, địa bàn ấp không còn xảy ra BLGĐ. Từ đó, góp phần nâng số hộ gia đình văn hóa của ấp tăng lên: năm 2017 là 559/569 hộ”.

BLGÐ là vấn nạn của xã hội gây tổn thương về tinh thần và thể chất cho nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Mâu thuẫn không xảy ra trong một gia đình mà mọi thành viên biết sẻ chia, tôn trọng và ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình. Bạo lực sẽ không bao giờ xảy ra trong một gia đình mà ở đó cha mẹ cùng đồng sức đồng lòng chăm sóc nuôi dạy con cái, vợ chồng yêu thương, chia ngọt sẻ bùi, xây dựng tổ ấm tiến bộ, hạnh phúc.

Theo ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để đẩy mạnh thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ, cần xác định công tác thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng phát huy vai trò của đoàn thể địa phương, các CLB, các tổ tư vấn hòa giải trong việc tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích hội viên và nhân dân chấp hành luật. Đồng thời, nêu gương về xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY- THÚY QUYÊN