Bệnh đột quỵ- nguy hiểm nhưng dễ phòng ngừa

Cập nhật, 14:19, Thứ Sáu, 28/06/2019 (GMT+7)

Với tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề, đột quỵ đang là bệnh lý nguy hiểm và phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Đột quỵ có thể xảy ra tại mọi thời điểm trong cuộc đời và không loại trừ một ai mà không hề có những dấu hiệu báo trước. Dù hiểm nguy, song đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ và giảm thiểu hậu quả của nó.

Kỳ 1: Chậm 1 phút, mất 2 triệu tế bào thần kinh

TS.BS Trần Chí Cường cho biết điều trị đột quỵ quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và phòng ngừa tái phát.
TS.BS Trần Chí Cường cho biết điều trị đột quỵ quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và phòng ngừa tái phát.

TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc Y khoa Bệnh viện Đa khoa Tim mạch- Đột quỵ (S.I.S) TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu cấp cứu chậm 1 phút thì trong bộ não của bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi”.

Thời gian vàng cấp cứu

Chỉ hơn 3 tháng đưa vào hoạt động, Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ TP Cần Thơ tiếp nhận khám, cấp cứu, điều trị cho trên 2.000 trường hợp bị đột quỵ. Trong đó, có khoảng 200 trường hợp đột quỵ nặng đến bệnh viện kịp thời gian vàng tức khoảng 4,5 - 6 giờ đầu có biểu hiện đột quỵ và được bệnh viện cấp cứu điều trị thành công, giảm di chứng cho người bệnh.

Ông Trương Văn Bột (Trà Ôn) vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhờ các bác sĩ S.I.S điều trị kịp thời đột quỵ. Vợ ông kể lại: “Ổng ngồi đưa võng thì một bên tay chân xụi đơ, tui thấy kỳ chạy kêu ổng cũng hổng có ư hử gì hết. Ở nhà cũng tưởng ổng trúng gió, liền lấy chanh nặn vô miệng; rồi bấm 2 bên hông ổng cũng hổng biết đau. Chuyển qua bệnh viện đột quỵ, bác sĩ chụp MRI cho biết não bị ứ máu, rồi can thiệp kịp thời, nhờ vậy từ từ ổng khỏe”.

ThS.BS Huỳnh Quốc Sĩ- Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ TP Cần Thơ cho biết: Bệnh nhân tới bệnh viện trong thời gian 4 giờ, tình trạng bệnh nhân đã hôn mê, yếu nửa người bên trái và liệt luôn tay, chân bên phải.

Chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ cấp, qua chụp MRI mạch máu não thì phát hiện có ổ nhồi máu vùng thân nền. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Nhờ được đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng” nên bệnh nhân phục hồi nhanh chóng sau khi được can thiệp.

Nằm trong Khoa Đột quỵ, anh Đặng Thế Anh (huyện Phụng Hiệp- Hậu Giang) thi thoảng giơ 2 tay, 2 chân lên tập vận động cho biết: “Vô đây mới biết mình bị đột quỵ do xuất huyết não. Hơn chục ngày rồi, khỏe rồi, giơ tay chân được, bác sĩ khen”.

Vợ anh nhìn chồng xuýt xoa: “Nhà ở Hậu Giang, tui đi lòng vòng mấy bệnh viện rồi được chỉ vô đây mới tìm ra bệnh cho ảnh. Bác sĩ nói vô kịp thời gian vàng nên giờ xuất viện trước rồi. Thôi, cũng mừng là ảnh khỏe nhiều”.

97% người bị đột quỵ đến bệnh viện trễ

Hiện nay do môi trường, cách sinh hoạt tác động số bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng. Đột quỵ đang ảnh hưởng 20% dân số thế giới và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Riêng tại Việt Nam, hàng năm có 200.000 người bị đột quỵ. Trong đó, có 11.000 người tử vong và trên 90% bệnh nhân sống sót mắc di chứng liệt suốt đời.

Thống kê năm 2016 cho thấy, trung bình 1 tỉnh 1 triệu dân có 1.000 bệnh nhân đột quỵ, nhưng hiện tại con số này có thể tăng lên gấp 1,5 lần. Theo TS. BS Trần Chí Cường, người bị tăng huyết áp thì nguy cơ bị đột quỵ tăng từ 3- 4 lần, thậm chí có thể gấp 10 lần so với người bình thường.

Những người có nguy cơ đột quỵ cao nhất là người trên 50 tuổi, béo phì, mắc bệnh mỡ máu, tiểu đường, tim mạch hoặc hay stress. Đặc biệt, hút thuốc lá nhiều, uống rượu bia nhiều, béo phì, ít vận động… đều là những “tâm điểm” gây đột quỵ. Đồng thời, các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ do dị tật, dị dạng mạch máu não bẩm sinh, tuổi tác hay môi trường ô nhiễm.

Một bác sĩ 40 tuổi ở TP Cần Thơ đột ngột qua đời vì bị vỡ phình mạch máu não, dẫn đến xuất huyết tràn trong não và tử vong. Theo TS.BS Trần Chí Cường, điều tiếc nuối là nếu được tầm soát trước khi vỡ, việc điều trị rất dễ dàng, có thể bình phục hoàn toàn.

Ông Huỳnh Quang Kiệt (56 tuổi, Sóc Trăng) bị đột quỵ do hẹp mạch máu, nguyên nhân là từ thuốc lá gây nên. Ông hút thuốc lá hơn 30 năm. Ông bị đột quỵ vùng não kiểm soát ngôn ngữ, được cứu chữa kịp thời nên giữ được mạng sống, song giờ ông không thể nhận diện được người thân và mọi vật xung quanh.

BS.CK1 Phương Hồng Thọ- Trưởng khoa Đột quỵ- Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ đang chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.
BS.CK1 Phương Hồng Thọ- Trưởng khoa Đột quỵ- Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ đang chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.

Thời gian cấp cứu đột quỵ có thể chỉ tính bằng giây. Mỗi năm ĐBSCL có 10.000 trường hợp đột quỵ, trong số đó có hơn 97% đến bệnh viện sau “thời gian vàng” do các bệnh nhân đột quỵ trong vùng hầu hết phải lên TP Hồ Chí Minh để cấp cứu dẫn đến tỷ lệ tử vong hoặc tàn phế rất lớn. Với việc cấp cứu, can thiệp kịp thời các trường hợp đột quỵ, sẽ giúp bệnh nhân giành lấy sự sống, hạn chế tỷ lệ tàn phế.

Theo BS.CK2 Đoàn Thanh Hùng- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, mỗi năm tỉnh có gần 1.000 ca đột quỵ tử vong. Hiện người dân còn chưa hiểu hết vấn đề đột quỵ nên cứ xem bệnh này “trời kêu ai nấy dạ”, không trị được. Song, nếu chúng ta phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời trong “thời gian vàng” thì có thể cứu sống bệnh nhân.


Theo TS.BS Nguyễn Huy Thắng- Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh, đột quỵ não là bệnh lý có nguy cơ tử vong cao và gây hậu quả nặng nề như bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê... Đây là một trong những cấp cứu y khoa khẩn cấp, nếu được cấp cứu đúng thời điểm “giờ vàng” (trong vòng 4, 5 giờ đầu sau khi phát hiện được các dấu hiệu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch hoặc trong vòng 4,5- 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, thì khả năng cứu sống rất cao cũng như hạn chế được các di chứng nặng nề.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

(Còn tiếp)