"Ba tôi không can thiệp vào chuyện học hành, sự nghiệp của con cái"

Cập nhật, 05:17, Thứ Ba, 11/06/2019 (GMT+7)

Đó là lời khẳng định của anh Phạm Hoàng Hưng (Hai Hưng)- một trong các người con của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng- trong buổi về nguồn, giao lưu với các bạn đoàn viên thanh niên, sinh viên- học sinh tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ tại Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) hôm 7/6/2019.

4 người con của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (từ trái qua) giao lưu với các bạn đoàn viên thanh niên, sinh viên học sinh hôm 7/6/2019.Ảnh: Quang Chiến (TP Vĩnh Long)
4 người con của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (từ trái qua) giao lưu với các bạn đoàn viên thanh niên, sinh viên học sinh hôm 7/6/2019.Ảnh: Quang Chiến (TP Vĩnh Long)

Anh tâm sự: “Trong suốt cuộc chiến tranh, anh em tôi sinh ra, lớn lên và đi học ở trường học sinh miền Nam. Ba tôi trong những lần ra Bắc công tác hoặc qua những lá thư chỉ nhắc nhở, động viên học tốt, nghe lời mẹ, thầy cô.

Thế thôi! Hết lớp 10, như bao thanh niên khác thời đó, tôi đăng ký đi bộ đội. Vào quân ngũ, cũng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tổ chức phân công thế nào thì chấp hành thế đó.

Mấy năm sau, tới lượt chú Phạm Hoàng Hà cũng vào bộ đội. Bởi lẽ đơn giản, thời đó, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là một sự sĩ nhục lớn”.

Anh Phạm Hoàng Hà cho biết thêm: “Vào quân ngũ rồi, có lần ba tôi về Bắc, ghé qua có hỏi tại sao con đi bộ đội? Tôi nói thì cũng như bao nhiêu người khác thôi mà.

Ba tôi chỉ ừ và nói ráng làm cho tốt. Có đợt cấp trên mở lớp luyện thi, thi tuyển đào tạo chuyên ngành quân sự, tôi nói ba tôi can thiệp để tôi được đi học, còn thi thế nào là do năng lực của con. Ba tôi nói không, đấy là việc của tổ chức, nếu thấy phù hợp thì người ta cử con đi.

Tôi phải tự đi xin cấp trên. Lần đó, tôi thi đỗ từ chính khả năng, trình độ học vấn của mình. Lúc này, ba tôi mới động viên cố gắng phát huy năng lực, học hành và công tác”.

Anh Hai Hưng tiếp lời: “Điều mà chúng tôi thừa hưởng là ý chí và tính ham học từ ba tôi. Ba tôi thường dạy ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải có kiến thức.

Ngay khi ở tù Côn Đảo, cai tù bày ra cái trò đo chiều cao, nện quả nặng từ trên xuống, ai cao hơn sẽ bị tét đầu, chảy máu. Hay bắt người tù phải bò vào như súc vật.

Với vốn tiếng Pháp và kiến thức về luật pháp, nhân quyền, ba tôi dọa kiện ra công tố khiến bọn địch phải chùn tay.

Không can thiệp vào chuyện của con cái nhưng ba tôi lại hay lo lắng, giúp đỡ cho người khác. Lúc ở Côn Đảo, một người bạn tù lớn tuổi trước lúc lâm chung đã thều thào nhắn gửi cho ba tôi sau này nếu được trở về thì cố gắng lo giùm gia đình.

Sau ngày thống nhất đất nước, giữa bao nhiêu công việc bừa bộn, ba tôi vẫn dành thời gian về Tiền Giang, tìm gặp gia đình người đó, sắp xếp cho người cháu vào ngành công an, lo cho đi học ở Liên Xô.

Mấy năm sau, do sức khỏe, anh Kỉnh trở về Việt Nam xin thôi, không theo học. Ba tôi buồn lắm chỉ nói mấy câu:

“Bác sắp xếp cho cháu là do lời hứa với ông nội cháu, là trách nhiệm của người còn sống với người đã khuất, là tình đồng chí, đồng đội, còn cố gắng thực hiện được hay không là quyền của cháu”.

Chị Phạm Thị Mai Hương nói thêm: “Hồi ở ngoài Bắc, cũng như sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bạn bè cùng học hay hỏi tôi rằng: con ông lớn chắc được nhiều ưu tiên lắm?

Tôi chỉ cười và chứng minh từ chính thành tích học tập của mình. Bởi vì tôi biết chắc chắn rằng hồi trẻ ba tôi học rất giỏi và có lẽ anh em chúng tôi thừa hưởng cái di truyền ấy của ba.

Tài sản mà ba tôi để lại cho chúng tôi là tấm gương trong sáng của người chiến sĩ cách mạng, là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đồng bào, yêu thương gia đình, con cái, ứng xử đúng mực, nhất là đối với mẹ tôi.

Đó còn là những kỷ vật quý giá về mặt tinh thần như những lá thứ suốt trong những năm kháng chiến; cái hòm sắt chứa đầy băng đĩa cải lương của các nghệ sĩ danh tiếng đương thời. Còn về vật chất thì mọi người đều biết cả đấy là không có gì”.

Nguyễn San (ghi) (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long)