Làn gió mang tên khởi nghiệp

Cập nhật, 06:53, Thứ Sáu, 08/03/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, nhờ những tiến bộ vượt bậc về bình đẳng giới, có rất nhiều phụ nữ (PN) Việt Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng đã phát huy được năng lực của mình trong các lĩnh vực và đang trở thành lực lượng tạo ra ảnh hưởng tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Phụ nữ Vĩnh Long trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp.
Phụ nữ Vĩnh Long trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp.

Làn gió mang tên khởi nghiệp

Một trong những phong trào được các cấp hội quan tâm phát động trong hội viên đang nổi lên là phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Theo đó, làn sóng khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam, trong đó PN hiện chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực và đang là tiềm lực khởi nghiệp rất lớn.

Bên cạnh những “thương hiệu” khởi nghiệp đã khá thành công, được tham dự ngày hội khởi nghiệp tại Hà Nội là mô hình sản xuất trái cây sấy dẻo của Công ty TNHH Duyên Ý Vĩnh Long (Phường 5- TP Vĩnh Long) hay mô hình trồng hoa cúc trong nhà kính tại xã Long Mỹ (Mang Thít). Những ý tưởng khởi nghiệp của chị em PN đã thể hiện được tính sáng tạo, bản lĩnh và khả năng vươn lên trong cuộc sống của các chị.

Gặp gỡ chị Nguyễn Đặng Phương Khánh (xã Trường An- TP Vĩnh Long), khi chị đang kết hợp cùng người em thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ trồng trong nhà lưới, bước đầu cũng có nhiều khởi sắc. Hiện tại, chị có kênh mua bán hàng online, giới thiệu sản phẩm, các mặt hàng như dưa lưới, cà chua bi, dưa leo, nấm bào ngư và liên kết với các doanh nghiệp cung cấp gạo sạch hữu cơ.

Chị chia sẻ: “Tôi tìm hiểu qua các kênh thông tin và tham quan các mô hình nông nghiệp đô thị, tham gia các lớp tập huấn để nắm kỹ thuật trồng. Tôi có dự kiến sẽ mở rộng thêm nhà lưới, tạo thêm việc làm cho chị em tại địa phương, hướng tới chất lượng bữa ăn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”.

Với mô hình trồng gấc, chị Võ Thị Thu Trang (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) cũng thổi một làn gió mới lạ vào làn sóng khởi nghiệp của PN. Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm chức năng, trồng gấc sẽ cho thu nhập cao, chị Trang quyết định tìm hiểu, nghiên cứu thêm tài liệu và tham quan, học hỏi cách trồng và quyết tâm thực hiện.

Khởi nghiệp với 15.000m2 trồng gấc, sau 5 tháng, cây gấc phát triển tốt, trái to, chất lượng được người tiêu dùng đánh giá màu sắc đẹp nhờ có thổ nhưỡng thích hợp và được thương lái đến tận nhà vườn thu mua. Trong 1 năm, chị thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Với năng khiếu sẵn có, tận dụng thời gian rảnh rỗi, chị Bùi Ngọc Ánh Tuyết (Phường 9- TP Vĩnh Long) đã thiết kế và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ “handmade”, làm từ giấy báo cũ. Với sự khéo léo, tỉ mỉ, chị Tuyết đã làm ra hàng trăm mẫu sản phẩm từ vật dụng trang trí trong nhà, mô hình giáo dục hay đồ chơi trẻ em, phụ kiện của phái đẹp…

Chị Tuyết với những sản phẩm handmade của mình.
Chị Tuyết với những sản phẩm handmade của mình.

Trong một năm bắt đầu khởi nghiệp theo đuổi niềm đam mê của mình, chị Tuyết không chỉ “làm chơi” mà đã thu được kết quả khả quan, chị đã kết nối được nhiều đầu ra tiêu thụ sản phẩm khắp các tỉnh thông qua kênh bán hàng online.

Chị chia sẻ: “Các sản phẩm được làm từ giấy báo nên thân thiện với môi trường, bước đầu khởi nghiệp tuy gặp không ít khó khăn nhưng tôi cảm thấy rất vui và tràn đầy năng lượng khi thực hiện được đam mê thiết kế của mình”. Chị tâm sự, người PN trong xã hội hiện đại rất cần sự năng động, mạnh dạn sáng tạo, vận dụng khả năng của bản thân để vươn lên.

Nhiều cơ hội, không ít khó khăn

Trong năm qua, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng, tập trung thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ PN khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh.

Các hoạt động này được triển khai đến các cấp hội trong toàn tỉnh nhằm hướng đến tiếp sức các mô hình kinh tế do PN thực hiện, hỗ trợ cho nhóm PN yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng PN trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho PN đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương.

Nổi bật nhất là sự ra đời của Hội Nữ doanh nhân tỉnh Vĩnh Long- đây là cơ sở liên kết và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ nhỏ và vừa phát triển kinh doanh, thực hiện các ý tưởng sáng tạo, xây dựng chuỗi liên kết, khởi nghiệp.

Hội Nữ doanh nhân thành lập tạo cơ hội cho các sản phẩm địa phương bay xa.
Hội Nữ doanh nhân thành lập tạo cơ hội cho các sản phẩm địa phương bay xa.

Tính trong năm 2018, các cấp hội đã hỗ trợ 336 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua nhiều hình thức, giúp chị em có vốn mua bán, chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao chuỗi giá trị… với tổng số tiền hỗ trợ trên 4,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì PN khởi nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Số doanh nghiệp do nữ làm chủ chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, với đặc tính giới, PN cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh. Những định kiến tồn tại lâu đời liên quan đến gia đình và con cái khiến PN có ít cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi…

Bà Lý Thị Kiệp- quyền Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- cho biết, thông qua các ý tưởng khởi nghiệp đã tạo nhiều cơ hội cho PN phát triển, khơi dậy sức sáng tạo của PN, đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh những điều kiện và năng khiếu sẵn có, chị em cần phải tự tin, sáng tạo, phát huy tài năng, nắm bắt thời cơ, tìm kiếm nguồn hỗ trợ hiệu quả để thật sự tỏa sáng.

Bài, ảnh: HẢI YẾN