Trung Nghĩa- điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật, 12:07, Thứ Tư, 23/01/2019 (GMT+7)

Qua đi thực tế tại các xã điểm nông thôn mới (NTM) năm 2019 của tỉnh, xã Trung Nghĩa (Vũng Liêm) được xem là một trong những điểm sáng trong xây dựng NTM với 14/19 tiêu chí đạt chuẩn, trong đó có nhiều tiêu chí có chỉ tiêu đạt vượt so quy định.

Nhiều hộ dân quan tâm trồng hoa trước nhà góp phần làm đẹp cảnh quan và tạo diện mạo nông thôn.
Nhiều hộ dân quan tâm trồng hoa trước nhà góp phần làm đẹp cảnh quan và tạo diện mạo nông thôn.

Những điểm sáng

Theo chân cán bộ địa phương đi thực tế tại 8/8 ấp của xã Trung Nghĩa, điều ấn tượng là hầu hết các tuyến đường giao thông (liên xã, liên ấp, liên xóm và đường dân sinh, đường trục chính nội đồng) đều đã đạt chuẩn theo quy định.

Trong đó có đến 11,22km đường liên ấp đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 78,9%. Đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều xã xây dựng NTM trước đây, vì để đạt tiêu chí giao thông nhiều nơi phải “trầy trật” từ khâu vận động đến đảm bảo tiến độ thi công để có 50% trở lên đường liên ấp đạt chuẩn theo quy định.

Điều đáng mừng nữa là trên khắp các tuyến đường chúng tôi đi qua, chúng tôi cảm nhận đời sống người dân nơi đây khá sung túc với nhà cửa được quan tâm chỉnh trang khá khang trang, nhiều hộ dân còn trồng hoa, cây cảnh trước nhà để tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp.

Đến ấp Phú An, chúng tôi ghé thăm Khu nghỉ dưỡng Coco Riverside Logde- một trong những điểm đến lý tưởng với không gian xanh mát và yên bình của vùng nông thôn. Nhiều du khách nước ngoài chọn đây làm điểm dừng chân để có được sự thư giãn, thoải mái với mỗi phòng đều có tầm nhìn ra sông và khu vườn kiểng khá đẹp mắt.

Du khách đến nghỉ dưỡng tại Coco Riverside Logde, góp phần tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.
Du khách đến nghỉ dưỡng tại Coco Riverside Logde, góp phần tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.

Chị Võ Thị Ngọc Hảo- quản lý khu nghỉ dưỡng cho biết: Coco Riverside Logde do người dân địa phương xây cất và liên kết với các công ty du lịch đón khách về nghỉ đêm và tham quan điểm làm cốm, chợ địa phương, ruộng lác, vườn thanh long, nhà máy thảm sơ dừa cùng các điểm đến tâm linh...

Từ khi ra đời, Coco Riverside Logde đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây với các sản phẩm tại địa phương được tiêu thụ nhiều hơn.

Theo bà Vương Thị Thu Hương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, theo đề án chương trình phát triển mỗi xã 1 sản phẩm ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030 thì du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch có nguồn gốc từ nông thôn là 1 trong 6 nhóm sản phẩm của chương trình OCOP. Việc đẩy mạnh phát triển du lịch cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

“Bước đệm” nâng cao đời sống

Dịp này, chúng tôi được tham quan mô hình nuôi cá lóc giống trong ao lót bể bạt (còn gọi là nuôi cá lóc trong vèo) và áp dụng biện pháp sang ao nuôi cá thịt của anh Nguyễn Văn Điệp (Ấp 4).

Đây được xem là một trong những mô hình nuôi thủy sản khá hiệu quả nhằm giúp giảm thiểu mật độ dơ của ao, cá lớn nhanh, hạn chế bệnh, giảm tỷ lệ hao hụt, tăng tỷ lệ đồng đều của cá nuôi với năng suất từ 90- 110 tấn/ha mặt nước.

Anh Điệp kể, năm 2015 anh đào 1.500m2 đất thả nuôi 30.000 con cá giống, sau 6 tháng anh thu hoạch 22 tấn, giá bán bình quân 36.000 đ/kg, anh thu lời 180 triệu đồng. Thời điểm đầu nuôi cá, anh cũng gặp không ít khó khăn do không biết cách trị bệnh cho cá.

Thông qua sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, anh Điệp đã biết dùng cỏ mực, lá sầu đâu, dây giác tía hoặc thuốc điều trị bệnh cá có nguồn gốc từ thảo dược rất an toàn cho người nuôi và người tiêu dùng do không sử dụng thuốc kháng sinh.

Đến nay, anh Điệp đã có 5 vèo nuôi cá, năm 2018 thu hoạch được 60 tấn cá, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng. Thấy mô hình nuôi cá lóc của anh Điệp khá hiệu quả, nhiều hộ lân cận cũng bắt đầu đào ao thả nuôi. Đến nay đã phát triển được 15 hộ với tổng diện tích 4,8ha. Về phía anh Điệp cũng dự kiến năm nay sẽ mở rộng sản xuất và cung ứng ra thị trường 80 tấn cá.

Theo ông Trương Thành Do- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã, để chuẩn bị “bước đệm” cho xã lên NTM và đạt tiêu chí thu nhập năm 2019 là 45 triệu đồng/người/năm, từ nhiều năm nay xã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vận động người dân chuyển đổi đất ruộng sang trồng màu, cây ăn trái và phát triển trồng lác ở một số vùng thích hợp. Hiện, xã còn tiếp tục nhân rộng một số mô hình hiệu quả như: trồng nấm rơm, chăn nuôi gà, nuôi cá lóc, sản xuất lúa giống...

Mô hình nuôi cá lóc tại xã Trung Nghĩa đang phát triển với lợi nhuận bình quân 550 triệu đồng/ha.
Mô hình nuôi cá lóc tại xã Trung Nghĩa đang phát triển với lợi nhuận bình quân 550 triệu đồng/ha.

Bà Vương Thị Thu Hương cho rằng, qua đi thực tế, tôi cảm nhận đời sống người dân của xã rất sung túc vì đa số nhà ở đều đẹp, có khoảng 70% ngôi nhà đều có sân vườn, cây cảnh.

Điều này chứng tỏ đời sống tốt nên người dân mới có điều kiện quan tâm đầu tư xây cất và chăm sóc nhà cửa cho mình. Song, xã cần quan tâm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, vận động để mở thêm các lớp đào tào nghề, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Năm 2019, xã Trung Nghĩa còn 5 tiêu chí cần quan tâm đầu tư đạt chuẩn. Trong đó, có 2 tiêu chí cần nguồn lực đầu tư của trên là trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Còn lại nội lực cả xã cần phấn đấu là: nhà ở dân cư- cần xóa 47 căn nhà tạm; về thu nhập- cần có những giải pháp quyết liệt để nâng thu nhập bình quân lên 45 triệu đồng/người/năm; về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật- cần đưa 1 công chức học lớp quản lý nhà nước để đạt chuẩn theo quy định.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI