Tìm giải pháp cho chất lượng nguồn nhân lực đồng bằng

Cập nhật, 13:59, Thứ Tư, 31/10/2018 (GMT+7)

GS.TS. Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân nói: “Mặc dù là cái nôi sản xuất nông nghiệp, nhất là của cả nước và xuất khẩu gạo, nhưng đại bộ phận người dân ở ĐBSCL- nông dân- vẫn nghèo và làm ăn trong môi trường không bền vững. Suy cho cùng, cái gốc của vấn đề chính là giáo dục”. Giải pháp nào cho sự phát triển của nhân lực ĐBSCL?

Liên kết quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục.
Liên kết quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục.

Những việc đã và đang làm

PGS.TS. Đặng Văn Phan- Trường ĐH Cửu Long- cho biết: Về chất lượng nguồn nhân lực thường được đánh giá ở 3 khía cạnh: thể lực, trí lực và tâm lực.

Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức hiện nay, các nhà kinh tế thường quan tâm đến khía cạnh trí lực nhiều nhất, cụ thể là năng lực sáng tạo, khả năng thích nghi, kỹ năng lao động nghề nghiệp của người lao động qua các chỉ số trình độ văn hóa, dân trí, học vấn trung bình, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, trình độ và chất lượng đào tạo…

Trong đó, đội ngũ giảng dạy là nhân tố hàng đầu quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Đánh giá thực trạng đội ngũ giảng viên trong đào tạo nguồn nhân lực vùng ĐBSCL, ThS. Lê Hữu Lợi- Trường ĐH Bạc Liêu- cho rằng: “Chất lượng giảng viên ĐH được thể hiện chủ yếu qua chất lượng hoạt động giảng dạy và chất lượng nghiên cứu khoa học”.

Liên quan đến hoạt động giảng dạy, ThS. Lê Hữu Lợi cho biết: “Có những giảng viên dạy 1.000 tiết/năm trong khi quy định là 270 tiết/năm. Dạy quá tải khiến nhiều giảng viên không còn thời gian học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.

Bên cạnh những nỗ lực của các trường ĐH để nâng cao chất lượng đội ngũ thì theo ThS. Hữu Lợi, Chính phủ cần xem xét, ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho vùng ĐBSCL trong phát triển GD- ĐT và dạy nghề. Đầu tư, nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ và các trường ĐH trong khu vực xứng tầm với các trường trong khu vực ASEAN và thế giới.

Hợp tác doanh nghiệp để sinh viên làm được việc ngay sau khi ra trường.
Hợp tác doanh nghiệp để sinh viên làm được việc ngay sau khi ra trường.

Một trong những xu thế tất yếu để phát triển giáo dục là hợp tác quốc tế, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long vừa được Tổ chức Skill International- New Zealand trao chứng nhận “Chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn chất lượng quốc tế”.

PGS.TS Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết: “Sau khi kết thúc khóa học và tốt nghiệp, sinh viên học tập tại trường cũng được công nhận như là học tập tại New Zealand và hoàn toàn có cơ hội tiếp tục học tập và làm việc tại New Zealand cũng như các nước trên thế giới”.

Thiếu và yếu gì?

ThS. Bùi Duy Hoàng- Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Miền Nam- cho biết: Theo quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL, từ nay đến năm 2030 vẫn ưu tiên phát triển xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp điện, hạ tầng tại các thành phố, các khu kinh tế, xây dựng định hướng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản,…

Như vậy, để đáp ứng nhu cầu này, đòi hỏi nguồn nhân lực về lĩnh vực khoa học xây dựng cơ bản, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, tin học, ngoại ngữ là vấn đề căn bản, nhu cầu thiết yếu.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là “liều lượng” số lượng nhu cầu cụ thể từng lĩnh vực là bao nhiêu? Chất lượng như thế nào?

Hợp tác quốc tế có vai trò trọng yếu trong xu thế hội nhập hiện nay, qua đó các trường ĐH sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. PGS.TS. Phan Phước Hiền- Trường ĐH Nam Cần Thơ- cho rằng: “Xây dựng năng lực nội tại của một đất nước là hướng đi đúng nhưng không phải là sao chép hay nhập khẩu toàn bộ mô hình quản lý và chương trình đào tạo của nước ngoài”.

Đề xuất các giải pháp cho vấn đề đào tạo nhân lực ĐBSCL, PGS.TS Đặng Văn Phan cho rằng cần xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực, ngắn và dài hạn, trong đó lấy GD- ĐT làm trọng tâm phát triển; quy hoạch các trung tâm đào tạo trọng điểm; khuyến khích liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, chuyển giao kinh nghiệm công nghệ với các trường có uy tín trong và ngoài nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động trực tiếp đến các lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt là lĩnh vực GD- ĐT. Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi phương pháp tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo của người học, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Bên cạnh đó là liên kết với doanh nghiệp giúp người học đáp ứng nhu cầu xã hội ngay sau khi ra trường.

Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo đánh giá

Việt Nam là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố tại kỳ đánh giá 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 trên 70 nước về khoa học, đứng thứ 22/70 về toán học và 32/72 về đọc hiểu. Nghĩa là, năng lực giáo dục của Việt Nam là có, nhưng tại sao chỉ có 7 trường ĐH nằm trong top 500 trường ĐH hàng đầu Châu Á (theo Tổ chức QS- Anh)?

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN